XEM CLIP:

Ban Chỉ đạo đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và trật tự đô thị (Ban Chỉ đạo 197) thành phố Hà Nội yêu cầu, các cơ quan chức năng kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe.

Đáng chú ý, đó là quan điểm kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận của PV VietNamNet lại khác với tinh thần quyết liệt xóa các điểm lấn chiếm vỉa hè. Cụ thể, ngay trên một số tuyến phố cổ (quận Hoàn Kiếm), tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra phổ biến. 

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm). 

Tại đây, thời điểm chiều tối, hàng quán đua nhau chiếm hè, bố trí những điểm đỗ kéo dài khiến người đi bộ chỉ còn lựa chọn bước xuống lòng đường.

Từ quán ăn, cà phê, bia, đến trà đá đều lấy vỉa hè làm nơi bày bàn ghế, chỗ để xe cho khách. Nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm giữ làm nơi để xe phục vụ kinh doanh. 

PV VietNamNet ghi nhận vào buổi tối, toàn bộ diện tích một đoạn vỉa hè trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) bị lấn chiếm cho mục đích kinh doanh.

Ngay trên phố Phùng Hưng, những hộ có điều kiện kinh doanh thì thỏa sức chiếm hè, nhưng cũng không ít người dân ở đây bày tỏ bức xúc vì vỉa hè bị chiếm không còn chỗ trống.

Chưa hết, cũng trên phố Phùng Hưng, từ chập tối, ngoài phần vỉa hè bị chiếm giữ mở hàng quán, các chủ kinh doanh còn chiếm cả lòng đường làm nơi bố trí điểm trông giữ xe.

Khách ngồi kín vỉa hè, bên dưới lòng đường thành bãi đỗ xe của các quán
Ngay dưới biển cấm dừng trên phố Phùng Hưng là bãi đỗ xe của các quán.

Còn tại phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm), các quán nướng, trà chanh đua nhau lấn chiếm từng m2 vỉa hè để xếp bàn ghế “xí chỗ” khiến nhiều người qua đường bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Hợi (ở phố Hàng Cót) cho hay: “Bình thường họ đã lấn chiếm hết vỉa hè để kinh doanh, nhưng sau đó đến rác thải cũng đẩy xuống đường”.

Theo người dân ở ngõ trong của phố cổ, tại những tuyến phố như Phùng Hưng, Hàng Cót... việc mất vỉa hè đã trở thành vấn đề nổi cộm, mãi không giải quyết được.

“Dẹp lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường có khó đến mức không làm được? Nếu áp dụng xử phạt mạnh, quyết liệt làm thì còn ai dám lấn chiếm? Tôi nghĩ trách nhiệm trước hết thuộc những người đứng đầu cấp phường sở tại, quan trọng là có thực sự muốn giành lại vỉa hè không”, anh Nguyễn Văn Chiến (quận Hoàn Kiếm) nói.

Các quán ăn trên phố Hàng Cót chiếm vỉa hè như có "sổ đỏ"

Ghi nhận tại phố Quán Thánh (quận Ba Đình) cũng không khá hơn, nhiều đoạn vỉa hè cũng chung tình cảnh bị biến thành nơi để xe, quán xá tấp nập, chiếm hết lối của người đi bộ.

Theo Trung tá Dương Bảo Thạch, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự quận Hoàn Kiếm, dù quận đã quyết liệt xử lý vi phạm trên các tuyến phố, nhưng do lực lượng mỏng nên khi cơ quan chức năng rút đi, người dân lại bày bán trở lại.

Đoạn vỉa hè ở phố Quán Thánh không còn chỗ cho người đi bộ.

Về xử phạt, theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, trong hơn 1 tháng cao điểm Tết Nguyên đán 2023, quận đã xử lý hơn 1.100 trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, tổng số tiền xử phạt là gần 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh vẫn rất nhức nhối.

Lắp đặt camera giám sát trên các tuyến phố

Chuyên gia đô thị, KTS Trần Huy Ánh đề xuất giải pháp dùng thêm các phương tiện hỗ trợ lực lượng chức năng quản lý vỉa hè, ví như lắp camera ở các tuyến phố để theo dõi, xử phạt người vi phạm.