Tỉnh Hà Giang có hơn 81.000 hộ nghèo, chiếm 42% tổng số hộ trong toàn tỉnh. Hộ nghèo tập trung tại các huyện vùng cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Hà Giang nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của người dân địa phương là do trình độ dân trí không đồng đều, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi hạn chế. Nhiều hộ dân thiếu vốn, chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Thậm chí, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh triển khai nhiều chương trình, chính sách để thực hiện các mô hình giảm nghèo, tích cực đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế cho người dân, tỉnh cũng đã huy động, lồng ghép linh hoạt nhiều nguồn lực để thực hiện các kế hoạch, trong đó có nguồn lực rất lớn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

W-Giảm nghèo (112).jpg
Hà Giang huy động, lồng ghép linh hoạt nhiều nguồn lực để thực hiện các kế hoạch giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Tại xã biên giới Sơn Vĩ của huyện Mèo Vạc, những năm gần đây, đời sống của bà con dân tộc thiểu số, bộ mặt nông thôn tại xã có 100% đồng bào dân tộc thiểu số này có nhiều khởi sắc. 

Gia đình ông Giàng Chứ Sình, thôn Lẻo Chá Phìn B, là một trong 20 hộ trong thôn đang được thụ hưởng Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện dự án này, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 18,4 triệu đồng mua bò sinh sản.

Nghe tin gia đình được tham gia dự án, gia đình ông Sình đã trồng thêm 0,5ha cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi, chuồng trại cũng được gia đình tu sửa lại. Từ khi nhận bò, gia đình ông tập trung chăm sóc để bò sinh trưởng, phát triển tốt, sớm sinh bê con. Ông hi vọng đây sẽ là điều kiện giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo trong năm tới.

Bà Già Thị Già ở cùng xã với ông Sình, ngoài nguồn hỗ trợ 18,4 triệu đồng và vốn đối ứng, người phụ nữ thuộc hộ nghèo này đã mua được một con bò. Đến nay bò đã sinh sản được 1 con bê. Thêm con giống, gia đình có động lực làm ăn, phát triển đàn bò tăng thu nhập, kinh tế gia đình đổi thay đáng kể. Với những người như bà Già, sự hỗ trợ của Nhà nước là "đòn bẩy" quý báu tạo cơ hội để những hộ nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Thào Mí Sính, Chủ tịch UBND xã Sơn Vĩ, cho biết để mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai thực hiện hiệu quả, chính quyền xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức phụ trách và phải thường xuyên theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện mô hình. Đồng thời, xã cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ người dân theo hướng “cầm tay chỉ việc” để người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình.

Nhờ vậy, từ khi triển khai đến nay, 70% số bò sinh sản của các hộ gia đình đã sinh được bê con và đang phát triển tốt. Dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Sơn Vĩ đã góp phần hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thoát nghèo đa chiều. Năm qua, xã giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động, thu nhập bình quân đạt 21 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 69,35% xuống còn 55,72%.

Tại huyện Vị Xuyên, việc thực hiện mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất luôn được bám sát định hướng phát triển kinh tế. Tại đây, hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu được hỗ trợ giống trâu, giống lợn sinh sản bởi đây là hướng phát triển kinh tế trọng tâm của nhiều xã, thị trấn.

Gia đình anh Vi Văn Minh, ở thôn Ngọc Hà, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, thuộc diện hộ nghèo. Năm ngoái anh mua một con trâu sinh sản đã trưởng thành với trị giá 16 triệu đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 15 triệu đồng. Có trâu sinh sản, gia đình anh chăm chút kỹ lưỡng, không thả rông trên đồi mà trồng cỏ quanh nhà để nuôi nhốt trong chuồng. Đến nay, trâu đã sinh một con nghé và tiếp tục mang lứa thứ hai. 

Người đàn ông này ấp ủ hi vọng nuôi thêm một năm nữa, con nghé hiện có sẽ bán được hàng chục triệu đồng. Đó là số tiền lớn để giúp gia đình đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế vườn rừng, con cái học hành, chăm sóc sức khoẻ đầy đủ.

Từ nhiều năm nay, các huyện, thành phố tại tỉnh Hà Giang đã và đang tích cực triển khai các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất thông qua việc hỗ trợ người dân nghèo tiếp cận vốn, giống, khoa học kỹ thuật. Điều này đã giúp nhiều hộ dân nghèo, cận nghèo tỉnh Hà Giang vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo kết quả điều tra, rà soát, trong năm 2023 đã có hơn 13.000 hộ thoát khỏi tình trạng nghèo, cận nghèo.