Kiệt Sơn là xã miền núi của huyện Tân Sơn với hơn 86% dân số là người Mường, kinh tế của người dân còn khó khăn, việc tiếp cận công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, kể từ khi chương trình viễn thông công ích được triển khai, cuộc sống người dân nơi đây đã có sự thay đổi rõ rệt.

Ông Hoàng Đại Nguyên, khu Chiềng Lớn, xã Kiệt Sơn, là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ chương trình. Sau 40 năm sống trong ngôi nhà đã xuống cấp, gia đình ông đã được hỗ trợ xây dựng nhà kiên cố.

Điều đặc biệt hơn cả là gia đình ông còn được hỗ trợ lắp đặt hệ thống wifi miễn phí, tạo điều kiện cho ông và các thành viên trong gia đình tiếp cận thông tin, học hỏi kiến thức mới và kết nối với thế giới bên ngoài.

phu tho 1.jpg
 Ngôi nhà mới của ông Hoàng Đại Nguyên, khu Chiềng Lớn, xã Kiệt Sơn được trang bị thiết bị kết nối wifi và gói truy cập wifi miễn phí

Trước kia, ông Nguyên phải đi đến các cuộc họp thôn hoặc đến trụ sở UBND xã để tìm hiểu các thông tin cần thiết. Nhưng giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ông có thể truy cập vào các thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình hỗ trợ nông dân, hay các hoạt động giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng ngay tại nhà.

Việc kết nối mạng không dây và sử dụng wifi miễn phí đã giúp ông và người dân Kiệt Sơn tiếp cận những cơ hội mới trong việc phát triển kinh tế, giáo dục và nâng cao chất lượng cuộc sống

Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn Nguyễn Ngọc Cường cho biết: “Xã có khoảng hơn 80 hộ được trang bị wifi miễn phí, chương trình viễn thông công ích góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo của xã, xóa bỏ rào cản về thông tin, mở ra cơ hội lớn cho người dân tiếp cận với các dịch vụ số, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong cộng đồng”.

Chương trình viễn thông công ích không chỉ mang lại các thiết bị kết nối mạng không dây, mà còn bao gồm việc hỗ trợ chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, cơ sở giáo dục, y tế và các điểm cung cấp dịch vụ cộng đồng.

Việc có mặt của các thiết bị kết nối Internet không dây đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho công tác giảng dạy và học tập tại các trường học trên địa bàn xã Kiệt Sơn nói riêng và huyện Tân Sơn nói chung.

Giáo viên và học sinh có thể sử dụng Internet để cập nhật kiến thức mới, tìm hiểu tài liệu giảng dạy với những nguồn học liệu phong phú. Các trạm y tế xã cũng có thể truy cập nhanh chóng vào các dữ liệu y tế, giúp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

 

phu tho 2 ok.jpg
Gia đình anh Phùng Văn Đợi ở khu Tân Ve, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn được hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích theo Quyết định 2269 của Chính phủ

Viettel Phú Thọ là một trong những đơn vị triển khai chương trình viễn thông công ích, đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập.

Đến nay, Viettel đã bán hơn 1.500 thuê bao di động và hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo và cận nghèo có xác nhận của chính quyền địa phương.

Việc triển khai dịch vụ viễn thông công ích không chỉ giúp người dân sử dụng điện thoại di động và Internet với giá cước ưu đãi, mà còn giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao sự tham gia của người dân trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Quyết định số 2269 ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, trong đó tập trung hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng biên giới có nhiều ý nghĩa thiết thực. Thực tế triển khai cho thấy, chính sách này không chỉ giúp bà con được sử dụng dịch vụ viễn thông với giá cước ưu đãi, mà còn được tiếp cận, nắm thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cập nhật kiến thức về xây dựng đời sống văn hóa, học cách xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả...

Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chương trình đã hỗ trợ khoảng 22.000 hộ nghèo, cận nghèo sử dụng dịch vụ di động và 3.000 hộ sử dụng Internet cố định.

Ngoài ra, còn có khoảng 120 cơ sở giáo dục và y tế được hỗ trợ dịch vụ Internet cố định. Điều này cho thấy chương trình đã có những tác động tích cực đến đời sống của người dân và địa phương.

Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đầy đủ, dễ hiểu, dễ tiếp cận và khẳng định rõ được giá trị của chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng và các cơ quan có liên quan; đảm bảo rà soát, kiểm tra, xác nhận đúng, đủ đối tượng thụ hưởng theo các yêu cầu chặt chẽ của dịch vụ viễn thông công ích; chủ động, kịp thời và mạnh mẽ kiến nghị Bộ TT&TT điều chỉnh các vấn đề, nội dung phát sinh nhằm đảm bảo yêu cầu thực tiễn và phát huy giá trị chính sách người dân được thụ hưởng.

Sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị viễn thông giúp chương trình VTCI của Chính phủ được triển khai hiệu quả. Từ đây, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, người dân ở địa bàn khó khăn được tiếp cận và phổ cập internet, góp phần thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho người dân.

 Theo Quốc An (Báo Phú Thọ)