Fintech là ngành công nghiệp bao gồm ngân hàng và các tổ chức không phải ngân hàng (trong đó có các tổ chức khởi nghiệp) sử dụng công nghệ để hỗ trợ hoạt động cung ứng các dịch vụ tài chính hiệu quả hơn. 

Fintech đang dần làm thay đổi cách con người giao tiếp với hệ thống tài chính truyền thống. Nhiều sản phẩm fintech ra đời và đã tạo ra sự hứng thú của người dùng, như: cách chi trả, cách gửi tiền, vay và cho vay tiền, cũng như đầu tư tiền của mình… 

Kỷ nguyên số hay fintech đã mang đến một cơ hội tuyệt vời để củng cố thêm vào mục tiêu phát triển tài chính toàn diện. Hay nói một cách khác, để phát triển tài chính toàn diện, không thể thiếu được sự có mặt của fintech, cầu nối của ngành tài chính.

ngan hang nam khanh 10.jpg

Trong những năm gần đây, lĩnh vực fintech phát triển khá nhanh tại Việt Nam. Fintech đang mang lại cả những cơ hội và thách thức đến với quá trình triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Theo khảo sát của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), các fintech với tính năng động và khả năng đổi mới sáng tạo, đã thiết kế ra nhiều mô hình hoạt động để tự thu thập dữ liệu của người sử dụng, từ đó thiết kế sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp từng nhóm đối tượng.

Nhóm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính (fintech) sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhờ vào các lợi thế về công nghệ, dữ liệu, chi phí vận hành, cơ hội kinh doanh… được coi là động lực cho thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia hiện nay. Song nghiên cứu của IDS chỉ ra rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp fintech nằm ở khung pháp lý.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học IDS - các vấn đề rủi ro có thể được hóa giải nhờ sự hợp tác giữa tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống và các đối tác fintech theo hướng không cạnh tranh, hợp tác lấp đầy khoảng trống thị trường...

TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là khung pháp lý, nhưng điều này “nằm trong tầm tay” của cơ quan quản lý. Thay vì phải bỏ ra các nguồn lực hữu hình, Nhà nước có thể cùng hợp tác phát triển bằng nguồn lực vô hình là xây dựng khung pháp lý phù hợp sự phát triển của hoạt động ứng dụng công nghệ nói chung và fintech nói riêng…