Chia sẻ tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, thực tế cơ sở và điều kiện của các nhà trường để dạy qua internet không đồng đều. “Cơ bản của việc dạy học trực tuyến là phải sử dụng đường truyền và các thiết bị đầu, cuối. Do đó cần bổ sung các thiết bị dạy học tối thiểu. Ngoài ra, về chế độ chính sách đối với giáo viên, một tiết dạy trên internet được quy đổi và tính toán thời lượng ra sao?”, ông Hiếu nói.

Với việc dạy học qua truyền hình, từ ngày 24/2, Sở đã phối hợp với đài truyền hình địa phương phát sóng những bài học cho học sinh lớp 9 và lớp 12.

Song, Sở GD-ĐT TP.HCM không dạy theo nội dung tuần tự trong chương trình mà xây dựng thành các chủ đề dạy học khác nhau và tóm tắt đảm bảo được lượng kiến thức cơ bản.

Tuy nhiên, vướng mắc đặt ra là đài truyền hình địa phương không thể hỗ trợ phát sóng bài học mới tất cả môn từ lớp 1 đến 12.

Qua khảo sát, tỷ lệ tham gia của học sinh không cao, chỉ đạt khoảng 70-80%. Ở một số trường ở khu vực ngoại thành khó khăn hơn thì con số này chỉ khoảng 60%. Do đó, TP.HCM xác định khi học sinh đi học trở lại, vẫn phải có một khoảng thời gian nhất định để rà soát khả năng tiếp thu của học sinh và tổ chức ôn tập, phụ đạo thêm.

{keywords}
Một giờ học trực tuyến.

Về việc dạy trực tuyến, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng địa phương cũng như nhiều tỉnh thành khác là ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện thực hiện.

“Có những nơi trong thời gian này phụ huynh phải đến trường lấy bài về cho học sinh làm rồi lại mang bài đến nộp cho giáo viên, chứ chưa triển khai dạy học qua internet được”.

Riêng với cấp tiểu học, theo ông Thành, nên tăng cường giảm tải, vì việc yêu cầu học trên truyền hình, học trực tuyến là khó khả thi với đối tượng này.

Nói về dạy học trên truyền hình, ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ cho rằng điều kiện tổ chức và phát sóng cũng rất khó khăn. “Các đài truyền hình địa phương thường chỉ có một kênh sóng nên việc chọn giờ phát sóng các bài học gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể kinh phí để thực hiện phát sóng, hỗ trợ kỹ thuật và các điều kiện để xây dựng chương trình,...".

Tuy vậy, Phú Thọ cũng cố gắng xây dựng được 175 video bài giảng cho 9 môn học văn hóa để học sinh lớp 12 ôn thi THPT quốc gia và hơn 30 video cho học sinh lớp 9 ôn thi lớp 10.

Ông Truyền cũng đề xuất Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, VTV dành riêng một kênh sóng cho giáo dục để phát các bài học. “Như vậy, việc học mới không bị lẫn vào các chương trình khác và phù hợp với điều kiện thực tiễn của các vùng miền”.

{keywords}
Giáo viên dạy qua truyền hình.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định Cao Xuân Hùng cho rằng, nhiều năm nay, địa phương cũng đã từng tổ chức dạy qua truyền hình, nhưng chỉ xác định để tổ chức ôn tập và là một kênh tham khảo chứ chưa bao giờ đặt ra là kênh chính thức để thay chương trình dạy chính khóa ở trường.

"Bộ GD-ĐT yêu cầu các tỉnh, thành dạy bài mới cho tất cả các lớp trên truyền hình, tôi không biết các tỉnh khác thế nào, nhưng với Nam Định là không khả thi”. Ông Hùng cho hay địa phương không đủ điều kiện để làm bởi cả tỉnh chỉ có một kênh truyền hình, không thể nào dạy đủ bài mới ở tất cả môn học cho 12 khối lớp.

Hiện, tỉnh này mới tổ chức các bài giảng qua truyền hình cho học sinh lớp 9 và 12. Những khối lớp khác, giáo viên dạy học qua ứng dụng trực tuyến. Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh đều có điều kiện học qua Internet nên địa phương vẫn chưa thể triển khai dạy bài mới.

Chung tay tìm giải pháp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong giai đoạn học sinh không thể đến trường này, các trường, giáo viên vẫn có trách nhiệm tổ chức dạy học bằng nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo quyền lợi và nhu cầu được học tập của các em, đảm bảo việc hoàn thành, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình.

“Trong các hình thức dạy học khác này, dạy học trên internet và qua truyền hình là giải pháp tình thế cần áp dụng rộng rãi”, ông Độ nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, với học sinh các vùng điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kết nối internet hạn chế, việc học tập có thể không đảm bảo. Còn với việc học trên truyền hình, với khung giờ phát sóng cố định, có thể gây khó khăn cho học sinh theo dõi hoặc lĩnh hội được đầy đủ nội dung bài giảng…

“Nhưng trong tình huống việc tổ chức dạy học trực tiếp quá khó khăn như hiện nay, cần áp dụng và phát huy tối đa ưu điểm của các phương thức dạy học trực tuyến, để đảm bảo việc học tập của học sinh, đảm bảo việc hoàn thành chương trình”.

Hiện, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi. Ví dụ như phối hợp với các đài truyền hình để tăng số lượng kênh phát sóng, tăng thời lượng phát sóng các chương trình dạy học. Ngoài ra, các bài giảng ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ kiến thức.

Mới đây, ngày 26/3, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành thông tin và truyền thông đã ký những cam kết hỗ trợ ngành giáo dục trong giai đoạn chống dịch Covid-19.

{keywords}
Ngành thông tin và truyền thông cam kết đồng hành, hỗ trợ ngành giáo dục trong đợt dịch Covid-19.

Theo đó, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành thông tin và truyền thông sẽ hỗ trợ phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD-ĐT thẩm định lên truyền hình; miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành giáo dục và đào tạo.

Hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học,...

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, giá trị của gói hỗ trợ này lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng. Cũng theo ông Hùng, đây là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam cho ngành giáo dục. Tiếp theo sẽ là những nền tảng, các ứng dụng khác nữa để phục vụ cho ngành giáo dục nước nhà.

Thanh Hùng

Sẽ có kiểm tra, đánh giá thường xuyên học qua internet và trên truyền hình

Sẽ có kiểm tra, đánh giá thường xuyên học qua internet và trên truyền hình

- Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn về việc dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch Covid-19.