Qua 5 năm triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, đề nghị trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp; các ngành, địa phương cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực, hướng dẫn, tạo điều kiện tốt cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện liên kết.
Được UBND tỉnh giao là đơn vị chủ trì thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, qua đó tiếp nhận, phê duyệt 29 chuỗi cấp tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kết quả đã hỗ trợ kinh phí cho 5 dự án hơn 28 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 1,9 tỷ đồng, vốn đối ứng của thành viên hơn 26 tỷ đồng. Đối với cấp huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt, triển khai chuỗi liên kết đối với 2 dự án, kế hoạch.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh gặp khó khăn như: sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhỏ, lẻ, manh mún nên các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản còn ở quy mô nhỏ; sự liên kết lợi ích và trách nhiệm giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn kết lợi ích lẫn nhau còn nhiều bất cập dẫn đến lợi ích khi tham gia liên kết của các hợp tác xã, nông dân chưa tương xứng với tiềm năng; nguồn lực nhà nước hỗ trợ còn hạn chế.
Để tháo gỡ khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã phối hợp tốt với các sở, ban ngành, địa phương trong quá trình thực hiện, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.