Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tại Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) và tổng kết, đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) vào ngày 4/12 tại Nha Trang.

Hiện nay, 4 nhóm vấn đề khuyến nghị gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật do Đoàn công tác của EC đưa ra vào tháng 11/2019 đang được thực hiện để tiếp tục khắc phục việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam.

Theo ông Hùng, việc các địa phương kiên quyết ngăn chặn, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những nội dung tiên quyết để phía EC có thể xem xét gỡ “ thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Sau 3 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, lượng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU giảm rõ rệt; năm 2018 (giảm 6%), 2019 (giảm 15%) và 9 tháng năm 2020 giảm 13%. Dự báo cả năm 2020 giá trị xuất khẩu hải sản sang EU có thể đạt 340 triệu USD, giảm 10% so với năm 2019, doanh số giảm 28% so với năm 2017.

{keywords}
Lượng tàu thuyền đánh bắt cá vi phạm giảm mạnh

Tính đến tháng 12/2020, Số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị Giám sát hành trình: 25.682/30.971 tàu cá từ 15m trở lên (tỉ lệ 82,92%). 

Số tàu cá từ 24m vi phạm vượt ranh giới cho phép trên biển là 274 lượt tàu; có 1.348 tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày, giảm hơn so với các năm. Việt Nam cũng đã duy trì việc cấm đăng ký mới tàu cá, thu hồi văn bản chấp thuận đóng mới đối với những tàu vẫn chưa đóng.

Hiện có 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng/Tổ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng chỉ định do Cơ quan QLNN về Thủy sản tỉnh phối hợp với lực lượng Biên phòng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời, cập cảng với các nội dung kiểm tra bao gồm: sổ nhật ký, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; kiểm tra các thiết bị an toàn, hàng hải trên tàu: đèn, phao cứu sinh, thông tin liên lạc trên tàu, thiết bị giám sát hành trình theo quy định. 

Bên cạnh đó, các cơ quan kiểm dịch cửa khẩu đã thực hiện kiểm dịch nhập khẩu 6.508.470 kg nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc khai thác từ tàu trung chuyển cập các cảng Việt Nam theo quy định tại điều 70, Nghị định 26. Cảng đến đối với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc khai thác từ tàu trung chuyển là Cảng Cam Ranh, Ninh Vân, Cảng Quốc tế Long An.

Tính từ đầu năm đến nay, đã cấp được 3.073 giấy chứng nhận thủy sản khai tác với khối lượng là 38.548 tấn thủy sản…

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, việc thiếu nguồn nhân lực đang là khó khăn chung của các địa phương trong thực thi, dẫn đến việc thực hiện quản lý, giám sát, kiểm soát tàu cá bị hạn chế. Tình trạng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát tàu thủy (VMS) nhưng không bật thiết bị kết nối với trạm bờ theo quy định vẫn còn xảy ra khá phổ biến.

Từ đầu năm đến nay, vẫn còn tình trạng tàu cá không có hoặc hết hạn Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định nhưng chưa thực hiện cấp mới hoặc gia hạn; việc triển khai quy định về cấp phép khai thác cho tàu cá tại các tỉnh mới đạt 40-60%....

Việc áp dụng quy định xử phạt hành chính mới trong lĩnh vực thủy sản đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài giữa các địa phương chưa thống nhất, chưa tạo tính răn đe cho các chủ tàu vi phạm.

Đây là một trong những tồn tại chính mà phía EC chưa thể gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc thậm chí bị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ” trong đợt thanh tra lần tiếp theo, nếu tình hình chưa có sự cải thiện, ông chia sẻ.

Theo Tổng cục Thuỷ sản, để gỡ được “thẻ vàng” trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ được giao. Chuẩn bị chu đáo, hiệu quả kế hoạch và nội dung tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam lần thứ ba để tiếp tục kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. 

Ngoàira, cần tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, đảm bảo kiểm soát 100% sản lượng cập bến tại các cảng cá chỉ định và thu hồi 100% nhật kí khai thác của các tàu cá cập cảng để lên cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường Châu Âu.

Hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đánh dấu tàu cá theo quy định; đối với các tàu cá chưa lắp đặt VMS kiên quyết không cho xuất bến, quản lý chặt chẽ khối tàu này và xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm. Đối với tàu cá lắp đặt thiết bị VMS nhưng mất kết nối với trạm bờ, khai thác sai vùng, cần phải tăng cường công tác kiểm soát, thực thi xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU, đảm bảo người dân cập nhật, tiếp cận thông tin về chống khai thác IUU đầy đủ, kịp thời; tăng cường truyền thông trong và ngoài nước các kết quả tích cực đã đạt được trọng thực tế, đấu tranh phản bác các thông tin tiêu cực gây bất lợi đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam.

Đặc biệt, huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến địa phương tập trung vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Hải Băng