Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT - Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo IUU), tính đến ngày 31/8, số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15m trở lên, đạt tỷ lệ 80,61%. 

Tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài cũng giảm mạnh. Từ đầu năm 2020 đến ngày 31/8 đã xảy ra 57 vụ/92 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý so với cùng kỳ năm 2019, giảm 53 vụ/89 tàu. 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo IUU sáng 8/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau gần 3 năm bị EC phạt thẻ vàng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp, Việt Nam đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn theo 4 nhóm mà EC khuyến nghị.  

Cụ thể là đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, ban hành các nghị định thông tư, các văn bản pháp lí, rất nhiều hoạt động tích cực từ đăng ký tàu thuyền, lắp thiết bị định vị, kiểm soát...

Công tác thực hiện có bước tiến triển rõ, đặc biệt ở khu vực Thái Bình Dương, từ công tác quản lí bến cảng, khai báo, tổ chức sản xuất, chế biến xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc đều có nhiều cố gắng, có quyết tâm rất cao. 

{keywords}
Lượng tàu cá vi phạm giảm mạnh, tỷ lệ tàu lắp thiết bị giám sát đạt gần 81%

Ủy ban châu Âu đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, song chưa đồng tình cao vì 6 tháng vừa qua vẫn còn ngư dân vi phạm vùng đánh bắt hải sản. Đáng chú ý là có 9 địa phương còn tình trạng vi phạm vùng đánh bắt cá nước ngoài, có những địa phương trước đây không vi phạm thì nay lại xảy ra vi phạm, Bộ trưởng Cường cho hay.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- ông Dương Thành Trung cho biết, các vi phạm của tàu cá lặp đi lặp lại, nguyên nhân đã được chỉ rõ, vì thế xử lý cương quyết vẫn là giải pháp số 1. 

Trong đó, tỉnh Bạc Liêu đã xử lý rất tốt việc tàu cá không có bảo hiểm, không có chứng chỉ thuyền trưởng, không có nhật ký ghi chép hành trình... Kết quả là 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Bạc Liêu chỉ có 1 trường hợp phải xử lý.

Phần lớn các tàu cá đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, theo dõi chặt chẽ 24/24h, thậm chí chúng tôi còn cài luôn phần mềm theo dõi trong điện thoại, có gì nắm bắt được ngay và chỉ đạo lập tức.

“Đặc biệt, Bạc Liêu phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng – lực lượng gắn liền với các chủ tàu để tuyên truyền, giám sát thực hiện hiệu quả”, ông Trung nói.”

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cà Mau đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho hơn 80% số phương tiện, còn lại gần 20% số tàu cá không tìm được do người dân đã mua bán, trao đi đổi lại qua nhiều chủ, một số tàu ngừng hoạt động.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, trong thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía EC trong công tác chống khai thác IUU. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để chống khai thác cá trái phép, không báo cáo, không theo quy định.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ NN-PTNT, thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực thi các khuyến nghị của phía EC. "Đây là sự cố gắng rất lớn, tuy nhiên, yêu cầu là phải đặt được thiết bị ở tất cả tàu cá; đồng thời rà soát, giám sát việc tuân thủ quy định về lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Những kết quả này vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá vẫn chưa hoàn thành. Công tác kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam còn yếu, thiếu chuyên nghiệp, chưa bảo đảm độ tin cậy.

Cơ chế phối hợp thực thi giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa bảo đảm yêu cầu. Công tác xử phạt vi phạm khai thác IUU được tăng cường nhưng vẫn còn hạn chế so với số lượng vụ việc vi phạm, cũng như tính chất vi phạm. Tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý từ đầu năm 2020 đến nay có giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tình hình thực tế còn rất phức tạp. 

"Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để sớm đạt được thực thi những biện pháp mà EC đặt ra, gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam; bảo đảm các kết quả này là vững chắc, thực chất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Từ đây đến cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc các chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. 

Các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, kịp thời báo cáo những vẫn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền. 

Trong đó, quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, đặc biệt là trong công tác xử lý hành vi khai thác IUU.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trong và ngoài nước về kết quả triển khai chống khai thác IUU. Tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT tăng cường tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU kết quả thực hiện, đề xuất khen thưởng các địa phương thực hiện tốt, phê bình các địa phương thực hiện chưa tốt, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam. 

Hải Băng