"Sungroup cũng đang thể hiện quyết tâm hay Geleximco đã cam kết đầu tư vào CMC", Bộ trưởng Hùng nói thêm và cho biết điều này thể hiện rất rõ khát vọng của các doanh nhân trong việc phát triển công nghệ cho đất nước.
Mỗi khi nhắc đến chính sách phát triển cho một ngành, nghề, câu hỏi thường được đặt ra cho Chính phủ, cơ quan quản lý là sẽ có cơ chế ủng hộ nào.
Nhưng, ông Hùng cho rằng trong nhiều trường hợp, muốn doanh nghiệp tồn tại, phát triển thì phải tạo ra một số khó khăn, thách thức.
"Nhiều khi các ưu ái về chính sách sẽ dẫn đến thất bại. Đôi khi phải tạo ra khó khăn mới là giúp đỡ doanh nghiệp".
Chính bởi vậy, tại Diễn đàn, một đề xuất đi ngược với thông thường được đặt ra: "Chính phủ, các bộ ngành hãy nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm Việt Nam. Đấy là biện pháp giúp hình thành doanh nghiệp công nghiệp nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh, buộc họ luôn phải đổi mới".
"Lão Tử có một câu nói rất hay là muốn sống hãy đẩy vào chỗ chết", Bộ trưởng nói.
Nhân lực cho ngành công nghệ cũng cần một cách tư duy khác. Với câu chuyện đã được nói dai dẳng này, ông Hùng lưu ý: "Con người giỏi lên là do việc".
Người Việt Nam có đặc điểm rất quan trọng là học hỏi rất nhanh, tính linh hoạt cao nhưng đi kèm với đó là điều kiện "nước đến chân mới nhảy". Do vậy, để tìm được người, phải nghĩ ra việc.
"Hiện nay ai cũng khen là người Viettel giỏi nhưng có ai biết được người Viettel là dốt nhất. Dốt là vì ở lứa của những người ngày xưa xây dựng Viettel, thì người nào giỏi nhất năm thứ 3 đã có học bổng đi nước ngoài, giỏi loại 2 thì khi ra trường làm cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc MobiFone, tiếp theo là VinaPhone rồi đến doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ. Cuối cùng mới đến Viettel.
Nhưng tại sao giờ những người từng bét bảng đó trở nên rất giỏi, thậm chí là giỏi nhất? Đó là vì họ làm rất nhiều và làm toàn việc khó", ông Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng TTTT nhấn mạnh rằng nguồn nhân lực trong nước không thể ngồi chờ giáo dục đổi mới với quãng thời gian có thể kéo dài đến tận 20 năm.
"Chúng ta không phải đào tạo nhân lực mà là đào tạo lại và nâng cấp lại. Nếu tiếp cận theo hướng đó sẽ thấy bài toán khả thi hơn", ông nói và cho biết phương pháp này chỉ đúng với người Việt Nam bởi những căn tính dân tộc riêng biệt.
Tất nhiên, việc thay đổi ở phương thức đào tạo vẫn phải thực hiện, nhưng duy trì với đó phải là niềm tin có việc sẽ có người. Mặt khác, Việt Nam còn "sở hữu" 5 triệu người Việt ở nước ngoài với số lượng không nhỏ những trí thức, kỹ sư trong ngành công nghệ.
Với Diễn đàn lần này, Bộ trưởng cho biết có thể có rất nhiều kỳ vọng về một bước ngoặt ngay tức thì. Tuy nhiên, ông khẳng định đó là sự ảo tưởng. Thành công sẽ không đến một cách dễ dàng và nhanh chóng như thế. Thậm chí, nếu có sự đột phá ngay thì có thể sau đó, thoái trào cũng đến rất nhanh.
Bộ trưởng nói rằng Diễn đàn chỉ tương tự như một phát súng gợi cảm hứng cho sự thay đổi trong nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp lẫn cơ quan Nhà nước để từ đó hình thành chiến lược.
Ông cũng gợi ý về một sự thay đổi từ từ. Nếu Diễn đàn là tiếng súng hiệu từ vạch số 0, sự thay đổi của doanh nghiệp và các cơ quan sẽ tiến dần từng bước đến giai đoạn bước ngoặt. Bước chuyển này có thể đến chậm hơn nhưng hàm chứa sự tăng trưởng chắc chắn và bền vững.
Phương Ánh