Tại Hội nghị triển khai đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" trong năm 2024, diễn ra hôm nay (22/2), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, mới có 6 dự án nhà ở xã hội ở các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 531 tỷ đồng, tức hơn 0,4% gói tín dụng 120.000 tỷ.

Trước tiến độ giải ngân chậm gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, phải nhìn nhận thực tế các lĩnh vực khác giải ngân rất nhanh, riêng lĩnh vực này giải ngân rất chậm, khiến "Thủ tướng thực sự không hài lòng".

Trong khi đó, nguyên nhân như doanh nghiệp phản ánh là rất khó tiếp cận.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, có thể chính sách đề ra chưa phù hợp, phía ngân hàng cần rà soát, đánh giá lại, không thể duy ý chí. 

“Tiền để đấy mà giải ngân được rất ít, trong khi nhu cầu rất lớn là phản ánh không đúng thực tế. Cần xem lại chính sách sai ở đâu” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Cũng theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, chúng ta đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hoạt động theo quy định của pháp luật, theo thị trường thì trong trường hợp muốn thực hiện chính sách, cần phải có cơ chế cấp bù từ phía Nhà nước. Như vậy, các ngân hàng thương mại mới có thể thực hiện được chính sách ưu đãi đề ra. 

pho thu tuong tran hong ha vietnamnet.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: N.H

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Việc giải ngân chậm, theo ông Sinh, thứ nhất là có ít dự án triển khai, thứ hai là về điều kiện tiếp cận tín dụng.

Theo báo cáo của các ngân hàng, có một số doanh nghiệp vướng nợ xấu. Chính nợ xấu đã ảnh hưởng đến việc giải ngân. Do đó, Thủ tướng đã yêu cầu các ngân hàng xem xét tháo gỡ cho từng dự án.

Phó Thủ tướng khẳng định, để thực hiện đề án, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cần có nguồn tài chính ổn định trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội.

Doanh nghiệp kiến nghị về suất đầu tư NƠXH

Từ thực tế triển khai thực hiện NƠXH, các doanh nghiệp tham dự hội nghị đã nêu nhiều ý kiến đề xuất. 

Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Vinhomes - đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu đơn giản hoá, nhanh gọn bằng hoặc nhanh hơn nhà ở thương mại.

“Về thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết cần thực hiện nhanh, có thể làm song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu cũng như các thủ tục khác về xác định tiền thuê đất... Các thủ tục dự án nhà ở xã hội còn nhiều nên cần rút ngắn hơn về thủ tục hành chính”, ông Hoa kiến nghị. 

Lãnh đạo Vinhomes cũng nêu vấn đề về suất đầu tư NƠXH. Doanh nghiệp cho biết, suất đầu tư NƠXH do Bộ Xây dựng ban hành giảm 25% so với suất đầu tư nhà ở thương mại. 

“Như vậy là chưa thể đảm bảo. Bản thân suất đầu tư nhà ở thương mại đã thấp hơn thực tế doanh nghiệp đang làm. Mà NƠXH còn thấp hơn 20-25% cũng cần xem xét lại”, ông lưu ý. 

Đồng tình với kiến nghị trên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân Trương Anh Tuấn cũng cho rằng, lợi nhuận NƠXH chỉ có 10% mà bây giờ giảm suất đầu tư 25%, trong khi thực tế dự án NƠXH vẫn làm tầng hầm, tiện ích... Điều này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó. 

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Viglacera, chia sẻ thực tế, doanh nghiệp này đã đầu tư hoàn thành 8.000 căn hộ. Trong đó, mới đưa 5.000 căn vào sử dụng, còn tồn kho 3.000 căn. 

“Trong 3.000 căn tồn kho, đa phần là dự án nhà ở công nhân xung quanh các khu công nghiệp. Các dự án này đầu tư cơ bản đồng bộ với hạ tầng, kỹ thuật, tiện ích... không thua kém nhà ở thương mại giá từ 250-600 triệu đồng/căn, giá thuê căn hộ từ 1,2-2,4 triệu/tháng. 

Dù giá thành hợp lý nhưng hiện nay vướng một số quy định công nhân trong khu công nghiệp mới được mua”, ông Ngọc Anh cho hay. 

Từ đó, doanh nghiệp kiến nghị cần có cơ chế với nhà ở công nhân, nên cho 10 đối tượng như NƠXH được mua để khuyến khích doanh nghiệp, tránh việc xây nhà ở công nhân nhưng không có người ở.