Hãng tin CNN "gói gọn" các diễn biến mới nhất của khủng hoảng Hy Lạp trong 10
điểm. Cập nhật cuối cùng đến hết ngày 12/7 (giờ GMT).
TIN BÀI KHÁC:
Châu Âu đang "kẹt cứng" trong cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. (Ảnh: Telegraph) |
1. Lãnh đạo 19 nước sử dụng đồng Euro gặp nhau vào đầu giờ sáng thứ Hai (13/7), để cố
đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp.
Khi các cuộc hội đàm kết thúc lúc nửa đêm ở Brussels, họ ghi dấu Ngày 3 ngoại giao "cuống cuồng" để giữ Hy Lạp trong khối Eurozone.
2. Một tài liệu rò rỉ từ các quan chức tài chính Euro cho biết, Hy Lạp cần tới 96 tỷ USD trong 3 năm tới. Văn bản này yêu cầu Hy Lạp cần phải thực hiện những thay đổi lớn về hệ thống lương hưu, năng lượng, lao động và thị trường sản phẩm, đồng thời phải tăng cường một chương trình tư hữu hóa.
3. Hội đàm cuối tuần diễn ra sau khi Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu vào sáng ngày 11/7 ủng hộ những cải cách mới - một bước tiến quan trọng hướng tới gói cứu trợ mới.
4. Nhưng vẫn còn nhiều trở ngại để đạt tới một thỏa thuận. Chính phủ Hy Lạp đã thay đổi quá nhiều lần trong vài tuần qua, nên các quan chức châu Âu thẳng thừng lên tiếng về sự thất tín, yêu cầu bằng chứng chứng tỏ Hy Lạp sẽ tuân thủ những cam kết của mình. Sau đó sẽ có giảm nợ: Liệu các chủ nợ châu Âu có nhất trí giảm bớt các điều khoản?
5. Một Hy Lạp cạn kiệt tiền mặt đang khát khao nhận cứu trợ. Các ngân hàng đóng cửa đã 2 tuần - và dự kiến tiếp tục ngưng hoạt động ngày 13/7.
6. Hy Lạp còn đến hạn phải thanh toán nhiều khoản nợ. Lớn nhất là nợ Ngân hàng Trung ương châu Âu, phải trả ngày 20/7.
7. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận, Hy Lạp có thể buộc phải từ bỏ khu vực đồng Euro và dùng đồng nội tệ.
Việc đưa vào sử dụng một loại tiền mới - và yếu hơn - sẽ rất tốn kém thời gian. Nhưng rốt cuộc, sau một thời gian phải chịu đau đớn thì đồng drachma mới có thể giúp ích cho kinh tế Hy Lạp, thúc đẩy các ngành như vận tải và du lịch.
8. Các thị trường toàn cầu dao động suốt cả tuần, và tăng nhẹ trong ngày 10/6 với hy vọng một thỏa thuận sẽ ra đời.
9. Nếu các bên không nhất trí được với nhau thì sẽ xuất hiện tình trạng bán tháo. Nhưng Hy Lạp là một nền kinh tế nhỏ, và hầu hết nợ nần đều do chính phủ và các định chế của nước này nắm giữ, vì vậy vẫn có thể tránh được một sự sụp đổ thị trường.
10. Rủi ro: Một Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng Euro (Grexit) có nghĩa là sức mạnh của tổng thể châu Âu có thể bị các nhà đầu tư "trừng phạt".
Thanh Hảo