Các sản phẩm “phát triển cho thị trường Mỹ không thể đơn thuần đem sang áp dụng tại những nền văn hoá khác”, Prabhakar Raghavan, Phó Chủ tịch cấp cao Google cho biết. “Để thành công tại địa phương, chúng tôi cần đầu tư nắm bắt văn hoá bản địa ở khu vực Đông Nam Á cũng như các khu vực đang có sự gia tăng người dùng Internet nhanh chóng”.
Google đã có nhóm phát triển địa phương tại Nhật Bản để cải tiến dịch vụ tìm kiếm phù hợp với người dùng tại đây. Ragvahan cho hay, một trong những trọng tâm của nhóm là đưa ra nhiều gợi ý tìm kiếm hơn so với các quốc gia khác, vì “ở Nhật Bản, mọi người nhập truy vấn rất ngắn gọn”. Trong khi đó, công ty này cũng có một nhóm tại Ấn Độ, nơi các truy vấn thường “rất dài”.
Raghavan nói rằng Google đặt mục tiêu thành lập đội ngũ phát triển dành cho địa phương ở khu vực Đông Nam Á và các quốc gia khác sau khi nhận thấy rằng “tại một số quốc gia nhất định, công ty phải có nhóm địa phương phù hợp với văn hoá xã hội”.
Theo Google và các nguồn khác, người dùng Internet chiếm 75% dân số Đông Nam Á vào năm 2021. Chỉ tính riêng năm ngoái, con số này đã tăng thêm 40 triệu người.
“Các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia là những nước có dân số rất trẻ và đóng góp phần lớn vào số lượng người dùng Internet mới toàn cầu”, lãnh đạo Google cho hay. “Việc đáp ứng nhu cầu của người dùng trẻ tuổi luôn rất khó khăn, nhưng công ty đang cố gắng bắt kịp với vấn đề này”.
Trong khi đó, thu nhập ròng của Alphabet, công ty mẹ Google đã giảm 14% so với năm trước đó, xuống chỉ còn 16 tỷ USD trong quý II vừa qua. Nguyên nhân do mảng kinh doanh quảng cáo chậm lại khi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng.
Thế Vinh (Theo Nikkei Asia)