Tại buổi tiếp Đoàn các Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) các nước do Chủ tịch ASEAN BAC năm 2024 Oudet Souvannavong, đồng thời là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào dẫn đầu sang dự Kỳ họp lần thứ 101 của ASEAN BAC tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc nước bạn Lào đã chuẩn bị tốt các chương trình trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 và Chủ tịch ASEAN BAC.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN ủng hộ Lào tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 44-45 và các Hội nghị liên quan, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng đoàn kết và vững mạnh.

W-buoigap.png
Quang cảnh buổi tiếp Đoàn các Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) các nước do Chủ tịch ASEAN BAC năm 2024 Oudet Souvannavong, đồng thời là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào dẫn đầu sang dự Kỳ họp lần thứ 101 của ASEAN BAC tại Hà Nội.

Thủ tướng chúc mừng thành công của Kỳ họp ASEAN BAC lần thứ 101 vừa diễn ra tại Hà Nội và những đề xuất, khuyến nghị trong báo cáo về chương trình của ASEAN BAC trong năm 2024; hy vọng những trọng tâm ưu tiên mà Hội đồng đang triển khai sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, chuyển đổi số, phát triển bền vững và bao trùm của ASEAN, nhất là các động lực tăng trưởng mới… Qua đó giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn và tận dụng được các thời cơ để phát triển.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, từ ảnh hưởng lâu dài của COVID-19, xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược đến các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên…, ASEAN đã chứng tỏ sự tự cường, linh hoạt và chủ động thích ứng để duy trì tăng trưởng và tiếp tục đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hoan nghênh các Chủ tịch ASEAN BAC về việc ASEAN cần có chính sách ưu tiên trong doanh nghiệp ASEAN đầu tư, kinh doanh trong các nước ASEAN, có luồng riêng cho hàng hóa các nước qua cửa khẩu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN BAC cùng Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN thực hiện 5 đồng hành.

Thứ nhất, đồng hành trong xây dựng thể chế, chính sách, vì thể chế là nguồn lực của sự phát triển, “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.”

Do đó, ASEAN BAC cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và tiên phong, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành của ASEAN kịp thời phát hiện các điểm nghẽn về chính sách, đưa ra các đề xuất và khuyến nghị phù hợp để Chính phủ các nước ASEAN tiếp tục hoàn thiện thể chế; chuẩn hóa các quy định đầu tư, kinh doanh; tinh giản hóa các thủ tục bằng áp dụng chuyển đổi số; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; giảm thiểu rào cản thương mại.

Thứ hai, đồng hành trong kết nối kinh tế về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục và con người. Kết nối là nền tảng để xây dựng một Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, vững mạnh và tự cường. Kết nối đòi hỏi cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn khu vực và toàn cầu.

Kết nối phải mang tính bao trùm trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục… trên nguyên tắc “lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển.”

Nghị sự về kết nối phải hướng tới việc hỗ trợ các vùng miền, tiểu vùng trong ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau, để mọi người dân, mọi vùng miền, mọi quốc gia đều được tham gia đóng góp và thụ hưởng thành quả phát triển chung của ASEAN.

Đặc biệt, cần tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng chiến lược, cả hạ tầng cứng về giao thông vận tải, năng lượng… và hạ tầng mềm về số hóa, đổi mới sáng tạo… giữa các nước ASEAN trên cơ sở chú trọng mô hình hợp tác công-tư, từ đó tạo ra sự kết nối liên thông, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững cho cả khu vực.

Thứ ba, đồng hành trong huy động nguồn lực, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức.

Theo đó, ASEAN BAC cần nghiên cứu, nắm bắt và tư vấn các doanh nghiệp tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… Đây là những xu thế tất yếu giúp ASEAN phát triển nhanh chóng và bền vững.

Thứ tư, đồng hành trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao, với các tiêu chuẩn chung về đào tạo, đánh giá và công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống văn bằng dựa trên năng lực mà các nước ASEAN đang sử dụng. Đây chính là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực với thế giới.

Thứ năm, đồng hành trong xây dựng, quản lý doanh nghiệp thông minh, hiện đại, đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như nền tảng số, điện toán đám mây, thể chế số, dữ liệu số, nhân lực số, kỹ năng số, an toàn, an ninh mạng, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị doanh nghiệp để giảm chi phí, giảm thời gian, nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” so với khu vực và thế giới.

Trên tinh thần “Chính phủ các nước kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận lời mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) được tổ chức vào cuối năm nay tại Thủ đô Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.