Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Anh và Bắc Ailen, thị trường Anh có nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam, trước mắt là cơ sở ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bên cạnh đó, cơ chế áp dụng Fast track Digital UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp. Cụ thể, khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm.

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng: cao su, dây điện và dây cáp điện; điện thoại và linh kiện các loại, cà phê, bánh kẹo ngũ cốc, gốm sứ, rau quả thực phẩm, giày da, may mặc, hải sản, đồ gỗ, gạo … sang Anh quốc. Gần đây, Anh có xu thế tăng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này.

W-xuatkhau.png

Hơn nữa, thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người cũng là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có đồ nội thất bằng gỗ gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Mặc dù có nhiều cơ hội, song theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, thách thức khi đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường này khá lớn khi thương mại quốc tế tăng yếu, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang. Do đó, nhu cầu thị trường Anh giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu bởi tâm lý lo ngại về chi phí sinh hoạt cao và tình hình kinh tế bấp bênh.

Bên cạnh đó, chỉ số CCI (sự tự tin tiêu dùng) tháng 6/2024 ở mức -14, tăng nhẹ 3 điểm so mức -17 của tháng 5/2024 và vẫn thấp hơn nhiều so giai đoạn trước Covid 19. Biến động tỷ giá USD/GBP khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.

Cùng với đó, yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương, da. Xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn như: ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường, kiêng muối... khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn. Những yêu cầu về chứng chỉ xanh, fair trade ngày càng được ưa chuộng và áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa dịch vụ khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm.

Biến động địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến thị trường Anh. Xung đột biển Đỏ đã đẩy cước vận tải và kéo dài thời gian vận tải biển. Giá containers tăng vọt đang là trở ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Tình trạng lừa đảo, tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Anh gia tăng do tình trạng nhiều doanh nghiệp Anh gặp khó khăn tài chính, năm 2023 số lượng doanh nghiệp Anh phá sản cao kỷ lục.

Trước các cơ hội và thách thức đan xen, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Anh, Bí thư thứ nhất Hoàng Lê Hằng, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết, Thương vụ sẽ tăng cường mạng lưới với cộng đồng Doanh nghiệp Anh và Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt nam. Đồng thời cập nhật cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các qui định nhập khẩu vào Vương quốc Anh.

Thương vụ tiếp tục duy trì cập nhật thông tin trên website www.vietnamtradeoffice.co.uk để phổ biến thông tin chính sách và cơ hội thị trường cho doanh nghiệp; trả lời các đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp Việt nam liên quan đến thị trường Anh, tìm và xác minh đối tác tại Anh, hỗ trợ giải chấp thương mại.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Anh sẽ tích cực làm việc với các hệ thống siêu thị Anh, tiếp tục triển khai dưới sự chỉ đạo hướng dẫn Vụ Âu Mỹ đưa hàng hóa Việt Nam vào chuỗi siêu thị Anh, tiếp tục triển khai trong năm 2024; tham gia các Hội thảo tư vấn, tuyên truyền hỗ trợ Xuất khẩu của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ và Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức; tham gia các Hội chợ thương mại chuyên ngành, các chương trình quảng bá xúc tiến thương mại theo kế hoạch được phê duyệt.