"Rất lâu trước khi Trung Quốc được coi là đối thủ công nghệ của Mỹ, Washington đã kiểm soát chặt các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc", bà Nina Xiang, nhà sáng lập nền tảng theo dõi lĩnh vực công nghệ Trung Quốc Money Network, viết trên Nikkei Asian Review.
Thông qua những thỏa thuận như Thỏa thuận Wassenaar - một cơ chế kiểm soát xuất khẩu đa phương - Mỹ và các đồng minh đảm bảo giữ khoảng cách về công nghệ với Trung Quốc. Kết quả là dù mở rộng quy mô và tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ nước ngoài.
Câu chuyện Huawei Technologies chỉ là một minh chứng cho lỗ hổng này. Toàn bộ lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc vốn rất dễ tổn thương, thậm chí có khả năng sụp đổ nếu không tiếp tục nhập khẩu công nghệ nước ngoài.
Trung Quốc dựa hoàn toàn vào chip do nước ngoài sản xuất cho máy bay địa phương ARJ21. Ảnh: Getty Images. |
Phụ thuộc công nghệ nước ngoài
Vài năm trước đây, gần như không ai tưởng tượng ra kịch bản phân ly công nghệ. Tuy nhiên, các chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu lo ngại.
"Việc Mỹ chủ động ngăn chặn những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc dựa trên quan điểm đối địch sâu sắc", bà Xiang viết. Theo giáo sư trợ lý Mario Daniel tại Đại học Georgetown, lịch sử cho thấy kiểm soát xuất khẩu là một công cụ của chiến tranh kinh tế.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung được công chúng đặc biệt chú ý trong một vài năm qua. Tuy nhiên, nó đã nhen nhóm từ lâu. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ tập trung giữ khoảng cách ít nhất hai thế hệ với Trung Quốc về năng lực sản xuất chất bán dẫn hiện đại toàn cầu.
Hơn nữa, khi cố tạo dựng vị thế trên thị trường với trình độ công nghệ thấp hơn, các công ty Trung Quốc sớm bị những đối thủ nước ngoài đánh bại bằng các sản phẩm cao cấp.
Các công ty nước ngoài chiếm thị phần 100% trong thị trường thiết bị in thạch bản của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Chẳng hạn như máy in thạch bản, còn gọi là in litô, in đá.
Vào khoảng năm 2015, Shanghai Micro Electronics của Trung Quốc cố gắng khởi động sản xuất số lượng lớn thiết bị in thạch bản 90 nanomet. Tuy nhiên, Thỏa thuận Wassenaar đột nhiên thay đổi, cho phép các công ty nước ngoài xuất khẩu thiết bị cao hơn 45 nm sang Trung Quốc (số nm càng cao, công nghệ càng kém tiên tiến).
Các nhà sản xuất chip Trung Quốc đổ xô mua thiết bị in thạch bản 65 nm từ công ty ASML của Hà Lan. Bởi chúng vượt trội hơn hẳn những chiếc máy 90 nm mới được các công ty Trung Quốc phát triển.
Theo số liệu chính thức, các công ty nước ngoài chiếm thị phần 100% trong thị trường thiết bị in thạch bản của Trung Quốc. Trong đó, ASLM chiếm 68% thị trường, 32% còn lại do Canon và Nikon của Nhật Bản nắm giữ.
Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài không chỉ dừng ở lĩnh vực chất bán dẫn. Trung Quốc hiện là thị trường ôtô lớn nhất thế giới về cả sản xuất và bán hàng, nhưng khoảng 80% chip cần thiết cho động cơ và hộp số ôtô được nhập khẩu.
Yếu thế trong mối quan hệ
Kể từ năm 1978, Trung Quốc mở cửa lĩnh vực ôtô cho các liên doanh nước ngoài và yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài không nắm giữ quá 50% cổ phần. Tuy nhiên, sau bốn thập kỷ hạn chế, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn chưa thể trở thành những bậc thầy chế tạo động cơ.
Theo bà Xiang, tình trạng thiếu chip tự động hiện tại cho thấy rằng nếu nguồn cung đột ngột bị gián đoạn, các nhà máy Trung Quốc có thể phải đóng cửa và sản xuất đình trệ.
Đối với lĩnh vực y tế, nhập khẩu chiếm 80% trong phân khúc thiết bị y tế cao cấp của Trung Quốc. Trung Quốc cũng dựa hoàn toàn vào chip do nước ngoài sản xuất cho máy bay địa phương ARJ21 và C919. Cả hai đều sử dụng động cơ nhập khẩu.
Trung Quốc cũng nhập khẩu khoảng 80% cảm biến từ trung cấp đến cao cấp, trong khi Windows của Microsoft chiếm 88% nhu cầu hệ điều hành máy tính để bàn ở đất nước tỷ dân. Hệ điều hành OS X của Apple cũng có thị phần 5,4%. Android và iOS chiếm gần 100% thị trường hệ điều hành điện thoại của Trung Quốc.
Trên thực tế, dịch Covid-19 cũng phơi bày sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc. Một số nghiên cứu chỉ ra 80% thành phần cơ bản trong thuốc được Mỹ sản xuất đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở công nghệ tiên tiến. Trung Quốc không thể sản xuất những sản phẩm đó và có ít nhà cung cấp thay thế.
Ở chiều ngược lại, Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc về hàng hóa cấp thấp nhằm tiết kiệm chi phí. Họ cũng có sẵn các lựa chọn thay thế.
Bà Xiang nhận định rất khó để đảo ngược cuộc phân ly công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ và quy mô sẽ phụ thuộc vào các chính sách của Mỹ trong tương lai.
"Tổng thống Joe Biden nên hiểu rằng việc cố gắng duy trì sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ là vì lợi ích của Mỹ", bà Xiang viết. Trên thực tế, các biện pháp của ông Trump đã thúc đẩy nỗ lực đạt được khả năng tự cung tự cấp của Trung Quốc.
"Giảm bớt áp lực ngắn hạn đối với các công ty Trung Quốc sẽ kéo dài sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ của Mỹ, đồng thời tránh tình trạng sản xuất toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng. Đó là lựa chọn tốt hơn nhiều so với một vụ phân ly dữ dội và đột ngột", bà kết luận.
Theo Zing/Nikkei Asian Review
Viễn thông Trung Quốc ‘thăm dò’ Tổng thống Biden ngay ngày đầu nhậm chức
Ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc đồng loạt yêu cầu Sàn chứng khoán New York (NYSE) đảo ngược quyết định hủy niêm yết ngay ngày đầu ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.