GoViet vừa gửi thông báo cho biết sẽ hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek để trở thành Gojek Việt Nam.

Tương tự, ứng dụng Get do Gojek đầu tư ở thị trường Thái Lan cũng sẽ được đổi tên thành Gojek Thái Lan.

{keywords}
Các tài xế GoViet trên đường phố TP.HCM. Ảnh: Hải Đăng

Ông Andrew Lee, Giám đốc các thị trường quốc tế của Gojek, cho biết việc hợp nhất các ứng dụng và thương hiệu tại các thị trường nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn nữa cho người dùng.

Gojek là công ty kỳ lân đầu tiên của Indonesia (tức có giá trị hơn 1 tỷ USD). Việt Nam là quốc gia đầu tiên công ty này mở rộng ra thị trường khu vực, sau đó tiến sang Singapore và Thái Lan. 

Trừ Singapore cũng dùng tên ứng dụng Gojek, tại Việt Nam nền tảng này được đặt là GoViet, tại Thái Lan có tên Get. 

Trước đó, ông Nadiem Makarim, sáng lập Gojek cho biết không muốn áp đặt một thương hiệu nước ngoài như Gojek vào các thị trường nội địa. Ông Nadiem, hiện đã rời Gojek và là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia, mong muốn các công ty con sẽ có thành tựu riêng ở mỗi thị trường.

Việc mỗi quốc gia có một ứng dụng riêng khiến người cài ứng dụng Gojek ở Indonesia không thể dùng nó ở Việt Nam hay Thái Lan và ngược lại. Ngoài ra, mỗi nước có một nền tảng riêng chắc chắn không tận dụng tối ưu được nguồn lực công nghệ từ công ty mẹ Gojek.

Trong khi đó, đối thủ hàng đầu của Gojek ở Đông Nam Á là Grab giữ nguyên một ứng dụng và tên thương hiệu trên khắp khu vực. Người cài ứng dụng Grab ở Việt Nam có thể dùng các dịch vụ (có giới hạn) ở mọi quốc gia có Grab hoạt động. 

Uber cũng chỉ dùng một tên thương hiệu và ứng dụng duy nhất của họ trên toàn cầu.

Việc Gojek thống nhất một nền tảng duy nhất trên toàn khu vực Đông Nam Á chắc chắn là bước đi cực kỳ đúng đắn, ít nhất tối ưu về mặt thương hiệu, hệ thống công nghệ, nguồn dữ liệu, tiêu chuẩn đối với đối tác và khách hàng,...

Nói trên tờ Nikkei Asia, ông Andrew Lee kỳ vọng một nửa doanh thu của công ty sẽ đến từ các thị trường ngoài Indonesia. Việc hợp nhất tên thương hiệu ở các thị trường là dấu mốc quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Tại Việt Nam, trong năm đầu tiên hoạt động, công ty đã đạt mốc 100 triệu đơn hàng, và tăng gấp đôi thành 200 triệu sau đó sáu tháng. 

Tại Đông Nam Á, Gojek có tổng cộng hơn 2 triệu đối tác tài xế và 500.000 nhà hàng tại hơn 200 thành phố, ở năm quốc gia Đông Nam Á. 

Gojek mới đây nhận đầu tư từ Facebook và PayPal, và trước đó là Google, Tencent, đẩy giá trị công ty lên hơn 10 tỷ USD.

Ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập và nguyên là Giám đốc Vận hành GoViet, đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Gojek Việt Nam. Hiện người dùng Việt Nam vẫn sử dụng ứng dụng GoViet như bình thường. Thông tin chi tiết về thời điểm ứng dụng Gojek mới có thể tải xuống trên Google Play và App Store sẽ được công bố trong thời gian tới.

Ra mắt vào tháng 8/2018, GoViet hiện hoạt động trên ba lĩnh vực là gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend), và đặt đồ ăn (GoFood). Ứng dụng hiện có mặt tại Hà Nội và TP.HCM, có hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 nhà hàng.

Hải Đăng

Gojek sa thải hàng loạt nhân sự, GoViet ảnh hưởng ra sao?

Gojek sa thải hàng loạt nhân sự, GoViet ảnh hưởng ra sao?

Sau Grab, công ty mẹ của GoViet vừa thông báo cắt giảm 9% nhân sự do ảnh hưởng của dịch bệnh.