Grab Taxi vừa có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm ngày 28/12/2018 của TAND TP.HCM (“Bản án sơ thẩm”) giải quyết “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Grab Taxi.
Theo đơn kháng cáo, Grab cho rằng TAND TP không có thẩm quyền xét xử vụ án, đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án hoặc nếu không đình chỉ thì cần sửa bản án sơ thẩm hoặc hủy bán án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP giải quyết lại.
Đại diện Vinasun và Grab tại phiên tòa |
Theo Grab, TAND TP không đánh giá đầy đủ, khách quan các tình tiết, chứng cứ của vụ án. Tòa bác yêu cầu giám định lại của Grab để dựa vào kết luận giám định không khách quan, không chính xác và đầy sai sót về mặt kỹ thuật của công ty giám định do TAND TP chỉ định.
Ngoài ra, việc áp đặt các quy định về kinh doanh vận tải đối với Grab là không đúng pháp luật và áp dụng không đúng các quy định tại Quyết định 24.
Cụ thể, trong việc xác định thiệt hại của VinaSun vì chi phí xe nằm bãi và giảm giá trị vốn hóa thị trường không phải thiệt hại thực tế của VinaSun hoặc xác định là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của Grab và thiệt hại của VinaSun, trong khi trên thực tế, thiệt hại của VinaSun do nhiều nguyên nhân khác gây ra.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, suốt thời gian qua, Grab cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá… gây thiệt hại cho taxi truyền thống.
Vinasun cho rằng, trong khi việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công thương thì Grab lại triển khai tràn lan quanh năm. Việc khuyến mại không được phép diễn ra quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày, nhưng Grab không tuân theo nghị định trên.
Kèm theo đơn khởi kiện, Vinasun cung cấp cho tòa nhiều chứng cứ cho luận điểm trên gồm văn bản, hình ảnh và khoảng hơn 20 video.
Vinasun cũng yêu cầu tòa buộc bị đơn phải kinh doanh dựa trên pháp luật về cạnh tranh công bằng.
Trước khi khởi kiện Grab ra tòa, Vinasun từng gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét Uber và Grab là công ty kinh doanh dịch vụ taxi chứ không phải công ty kinh doanh công nghệ. Công ty này còn đề xuất sớm định danh để quản lý hai hãng trên theo mô hình taxi truyền thống.
Trước đó, sau gần 1 năm mở và hoãn phiên tòa, ngày 28/12, TAND TP đã chấp nhận một phần khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun gần 4,8 tỉ đồng, bác bỏ yêu cầu đòi Grab 36,3 tỉ đồng.
Grab phải bồi thường cho Vinasun gần 5 tỉ đồng
Dù chỉ được chấp nhận một phần khởi kiện nhưng lãnh đạo và các tài xế của Vinasun tỏ ra vui mừng, họ hô to: "Hoan hô tòa án".
Đoàn Nga