Trả lời báo chí sáng 12/9, GS Hồ Ngọc Đại cho biết: “Khi Hội đồng hỏi tôi có ý kiến gì không, tôi nói không có ý kiến gì cả. Tôi không bất ngờ với kết quả này và tôi biết trước chuyện này sẽ xảy ra”.

{keywords}

GS Hồ Ngọc Đại khẳng định sẽ không sửa SGK để nộp thẩm định lại

Trước câu hỏi “Liệu bộ SGK của ông sẽ “sống” tiếp ra sao nếu bị loại khỏi vòng thẩm định”, GS Đại nói: “Không có tình huống nào là không có lối thoát. Chân lý vẫn sẽ tồn tại. Khi tôi tới dự buổi làm việc với hội đồng thẩm định để công bố kết luận, cả hội đồng đứng dậy chào, khi chủ tịch nói xong, tôi đi về”.

Ông nói tiếp: “Việc này giờ không phải là việc của tôi nữa. Quyển sách ấy thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chủ động bảo tôi là cuốn sách tốt quá, nên nhân rộng ra. Nhưng tôi thấy anh ấy lúng túng, tôi hiểu là không có tiền. Tôi nói luôn: “Tôi cho không đấy”. Tôi ăn lương nhà nước 50 năm để tôi làm ra bộ sách ấy, cho nên nó là tài sản nhà nước đầu tư chứ không phải tài sản của tôi. Do vậy, việc này giờ tôi không xử lý được nữa”.

Bộ sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "Không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa hoặc bỏ, phần lớn là những nội dung bị đánh giá "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1" và một số vấn đề về kỹ thuật, trình bày.

Tuy nhiên, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định sẽ không sửa để nộp lại.

“Tôi sẽ không sửa bởi công trình ấy tôi đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn. Tôi đã tính toán hết, cũng đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh.

Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với quá khứ của các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Cái gì trẻ con chấp nhận được thì tôi tin. Trẻ con làm được và chúng vui vẻ với điều đó thì sao gọi là quá sức được.

Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay. Tôi đã về hưu và không phụ thuộc vào lương bổng hay làm vì lương bổng. Tôi không nhân danh cái này cái khác mà tôi làm vì đất nước này”.

GS Đại cũng nói thêm, "những cô giáo dạy theo công nghệ giáo dục rất hạnh phúc. Các cô thích lắm vì học sinh học đâu chắc đấy. Mà bọn trẻ con hiểu được, chúng cũng thích. Đi học như thế mới là hạnh phúc".

Sách Công nghệ Giáo dục là sản phẩm nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu do GS-TS Hồ Ngọc Đại trực tiếp chủ biên, hoàn thành năm 1978, sau đó được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi đó cho phép thực hiện thí điểm tại trường thực nghiệm (cơ sở ở phố Liễu Giai, Hà Nội bây giờ).

Đến năm 2000, khi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được áp dụng với chính sách “Một chương trình một bộ sách giáo khoa”, tài liệu này không được mở rộng mà thí điểm trong phạm vi hẹp.

Năm 2006, trước nguy cơ mù chữ và tái mù quá lớn, sách Công nghệ giáo dục lại được Bộ GD-ĐT cho dùng ở các vùng khó khăn “3 Tây” là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Năm 2017 và 2018, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tài liệu đã được thẩm định lại 2 lần. Cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục khi đó được hội đồng thẩm định thông qua. Sách đã được biên soạn, điều chỉnh và sửa đổi sau khi có góp ý. Bộ GD-ĐT đã chính thức đồng ý để tiếp tục triển khai.

Hiện tại có khoảng 931.000 học sinh lớp 1 đang triển khai sách Công nghệ giáo dục.

Thúy Nga

Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục bị loại từ vòng đầu thẩm định

Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục bị loại từ vòng đầu thẩm định

Theo nguồn tin của VietNamNet, bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên vừa bị hội đồng thẩm định quốc gia chấm 'không đạt' ngay vòng đầu.