- "Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi có những người như Elon Musk ở Hoa Kỳ và nếu có Elon Musk của Việt Nam, điều đó sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho cả Việt Nam mà cho cả thế giới nữa", GS. Jason Furman, Đại học Harvard, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama nói.
Nhân dịp GS. Jason Furman Đại học Harvard, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, đến làm việc tại Việt Nam và tham gia hội nghị CEO SUMMIT 2018, ngày 25/7/2018, chương trình Góc nhìn thẳng của Báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh chủ đề trí tuệ nhân tạo và các vấn đề khác của kinh tế thế giới.
XEM VIDEO TALKSHOW TẠI LINK SAU:
Việt Nam sẽ là đầu tàu kinh tế trí tuệ nhân tạo ở ASEAN
GS. Jason Furman tin rằng, Việt Nam sẽ là đầu tàu tiên phong về kinh tế 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) ở ASEAN bởi sự tiếp cận nghiêm túc và đầy hào hứng của Chính phủ và khu vực tư nhân.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Tôi rất ấn tượng với bài thuyết trình của ông bao quát đầy đủ về cuộc cách mạng kinh tế 4.0.
Câu hỏi đầu tiên xin dành cho ông: Ở Mỹ có một công ty may mặc mà robot có thể thay thế 100% công việc của công nhân. Và ngay tại Việt Nam, có một nhà máy mà rô bốt thông minh có thể làm đến 90% khối lượng công việc trong nhà máy đó.
Không chỉ báo chí Việt Nam, các tờ báo khác trên thế giới đang lo lắng về câu hỏi "Liệu robot thông minh có thể lấy mất công ăn việc làm của con người" không?
GS. Jason Furman - Đại học Harvard, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama. Ảnh Phạm Hải |
GS. Jason Furman: Mọi người lo lắng về việc robot “đánh cắp” công việc của con người kể từ khi có sự xuất hiện của robot.
Tuy nhiên, bạn biết đấy, đã 80 năm trôi qua, chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc làm cho con người. Thực tế, ở hầu hết các nơi có khoảng 95% người muốn- có- việc- làm thì đều đang có việc làm.
Lý do là công nghệ tuy có khả năng thay thế một vài kỹ năng và thay đổi nhiều công việc của con người nhưng kỳ thực, cũng chính nó lại tạo ra những công việc mới cho con người. Nó đã giúp cho con người giàu hơn mà không hề làm giảm số lượng công việc.
Tôi nghĩ rằng, robot và công nghệ 4.0 giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn và được trả nhiều tiền hơn.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Như ông đã biết, nước Mỹ là nơi tập trung những tập đoàn dẫn đầu trong ngành trí tuệ nhân tạo như Google, Facebook và môi trường kinh doanh cho phép có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân làm việc trong lĩnh vực này.
Vậy Chính phủ Mỹ đã có những chính sách gì để thúc đẩy lĩnh vực này là gì và bài học lớn cho Việt Nam là gì?
GS. Jason Furman: Điều quan trọng nhất là Chính phủ Mỹ là không làm gì cả. Nghĩa là, Chính phủ cho phép các công ty sáng tạo, họ không cần phải xin phép, họ tự do đưa ra ý tưởng và triển khai những ý tưởng đó.
Điều quan trọng thứ hai là Chính phủ, dù vậy, vẫn làm một số việc cần thiết.
Một số việc ở đây là sự đầu tư vào các nguồn lực thiết yếu, đảm bảo cơ bản về quyền riêng tư và an ninh mạng, nỗ lực để đào tạo và giúp đỡ người dân có việc làm.
Sau đó là đưa ra những khung thống nhất ở những lĩnh vực khác nhau ví dụ đối với các phương tiện tự lái; cho phép các công ty được phát triển và thịnh vượng.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Ông nói rằng Việt Nam nên trở thành một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực AI ở Đông Nam Á. Ông có thể nói rõ hơn về điểm này không?
GS. Jason Furman: Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành đầu tàu và một phần lý do tại sao tôi tin vào điều đó là do tôi thấy được mọi người tiếp cận với lĩnh vực này nghiêm túc như thế nào.
Đặc biệt tôi nhận thấy một sự phấn khích từ phía chính phủ cũng như khu vực kinh tế tư nhân khi nói về AI.
Bạn biết đấy chính khu vực tư nhân phải chủ động dẫn dắt để tạo nên vị thế của đất nước trong lĩnh vực này. Tuy vậy chính phủ vẫn còn nhiều điều phải làm và trở thành một tấm gương tương tự như chính phủ Mỹ.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Ông biết rằng Việt Nam hiện còn rất hào hứng để nắm bắt cơ hội này, để tiến lên phía trước, để bắt kịp thế giới.
Thủ tướng của chúng tôi nói rằng, Việt Nam cần phải lên con tàu 4.0 ngay. Chắc ông hiểu rõ đây chính là kỳ vọng của chúng tôi.
Nhưng vấn đề của Việt Nam là hiện chúng tôi đang ở mức độ phát triển thấp. Chúng tôi nhập khẩu kỹ thuật, chúng tôi nhập khẩu phần mềm, phần cứng. Làm thế nào chúng ta có thể bắt kịp? Chính sách của chính phủ là gì?
GS. Jason Furman: Vâng, tôi đã có một cuộc thảo luận hiệu quả với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các CEO hàng đầu và những người khác và tôi nghĩ rằng tất cả họ đều hiểu rằng để Việt Nam thành công trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Chúng ta cần phải cởi mở với những ý tưởng cũng như nguồn đầu tư từ nước ngoài. Sau đó tôi có thể tìm ra cách điều chỉnh và ứng dụng chúng ở Việt Nam.
Trong một số trường hợp thậm chí có thể phát triển những sáng kiến của Việt Nam để tiến tới xuất khẩu và chia sẻ với các nước khác.
GS. Jason Furman - Đại học Harvard, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama và nhà báo Hoàng Tư Giang. Ảnh Phạm Hải. |
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Vậy chính sách nào là quan trọng nhất trong việc xóa bỏ rào cản đối với khu vực tư nhân trong lĩnh vực này? Ông nói rằng Việt Nam không nên thành lập bất kỳ cơ quan nào để dựng lên bất kỳ rào cản nào. Vậy thì Chính phủ nên làm gì, không nên làm gì và lời khuyên của ông dành cho chúng tôi là gì?
GS. Jason Furman: Đúng vậy. Thủ tướng mới đây cũng đề cập đến về việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với quá nhiều thủ tục và lề thói quan liêu.
Tình hình đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây nhưng việc giảm bớt nạn quan liêu và một số rào cản sẽ làm cho việc thành lập doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn sẽ là một bước thúc đẩy nền kinh tế nói chung và đồng thời sẽ giúp ích trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Điều thứ hai tôi muốn nói là quyền riêng tư và an ninh mạng là vấn đề quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là có những biện pháp được thực hiện để bảo vệ các cá nhân.
Đó là những gì bạn thấy ở châu Âu, ở Hoa Kỳ. Có những chính sách với quy chuẩn toàn cầu về quyền riêng tư và an ninh không gian mạng sẽ rất hữu ích trong việc phát triển AI.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Về quan điểm này, tôi sẽ hỏi ông một câu hỏi. Làm thế nào Mỹ có thể sản sinh ra những triệu phú như Elon Musk? Anh ta có thể làm hầu hết mọi thứ mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi.
Điều thú vị ở đây là, anh ấy có thể tự sản xuất tên lửa tự tái chế hay xe hơi. Chính sách cốt yếu của Mỹ ở đây là gì? Vì sao ông ấy có thể làm bất cứ điều gì mình muốn?
GS. Jason Furman: Vâng. Và nước Mỹ giàu có hơn nhờ những người như anh ta. Thế giới cũng giàu có hơn nhờ điều đó.
Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi có những người như Elon Musk ở Hoa Kỳ và nếu có Elon Musk của Việt Nam, điều đó sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho cả Việt Nam mà cho cả thế giới nữa.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Vấn đề là các công ty mới khởi nghiệp ở Việt Nam thường đến Singapore để thành lập một doanh nghiệp vì những khó khăn trong chính sách của chúng tôi.
Ví dụ: chúng tôi không cho phép giao dịch Bitcoin tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là các công ty khởi nghiệp không thể huy động các nguồn lực tài chính? Vậy lời khuyên của ông là gì?
GS. Jason Furman: Cá nhân tôi không thực sự thích Bitcoin. Tôi nghĩ phần lớn nó là sự gian lận. Vì vậy, tôi đồng tình với quan điểm của chính phủ Việt Nam về Bitcoin.
Nhưng nhìn chung, hiển nhiên là bạn không muốn các công ty được thành lập tại Singapore, bạn muốn chúng được thành lập tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Điều đó có nghĩa là chúng tôi không nên áp dụng bất kỳ chính sách nào tạo ra rào cản cho ngành công nghiệp AI?
GS. Jason Furman: Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất là không có rào cản nào. Chính phủ có thể tìm ra cách sử dụng AI trong việc cung cấp các dịch vụ của mình. Nó sẽ đưa ra một ví dụ về cách AI có thể được sử dụng và triển khai như thế nào.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Dữ liệu cá nhân quan trọng như thế nào để thúc đẩy ngành công nghiệp 4.0? Theo tôi, lĩnh vực này không thu hút đủ sự chú ý của chính phủ và người dân Việt Nam.
GS. Jason Furman: Vâng dữ liệu là yếu tố quan trọng. Dữ liệu cung cấp nhiên liệu cho AI. Đó là yếu tố để biến đổi, ... và phát triển những ý tưởng mới, do đó, làm cho nhiều ý tưởng có sẵn thực sự quan trọng.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Ví dụ?
GS. Jason Furman: Ví dụ, ở Hoa Kỳ, chúng tôi cung cấp dữ liệu thời tiết, chúng tôi cung cấp dữ liệu về mức sử dụng năng lượng, chúng tôi thậm chí còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhưng vẫn đảm bảo tính ẩn danh.
Chính phủ có nguồn dữ liệu và họ sử dụng chúng nhưng sau đó các công ty có thể tìm ra cách sử dụng nó theo nhiều cách sáng tạo và đổi mới hơn. Họ tạo ra lợi nhuận và khách hàng của họ cũng được hưởng lợi từ đó.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Về vai trò của chính phủ, lời khuyên của ông cho chính phủ của chúng tôi là gì để bắt kịp sự phát triển tương lai này?
GS. Jason Furman: Lời khuyên của tôi dành cho chính phủ là tập trung vào vấn đề là để cho khu vực tư nhân dẫn dắt, tìm ra những gì chính phủ có thể làm, trở thành hình mẫu để noi theo và đảm bảo rằng nó được thực hiện theo cách càng cởi mở và minh bạch càng tốt.
Nhà báo Hoàng Tư Giang: Với tư cách là phóng viên có thâm niên 20 năm, tôi nghĩ rằng chính phủ rất nghiêm túc tại thời điểm này để bắt kịp cuộc cách mạng 4.0.
Ông đã đến đây hai lần. Câu hỏi của tôi là nếu ông quay trở lại Việt Nam sau 5 hoặc 10 năm, ông muốn thấy điều gì ở đây về cuộc cách mạng này?
GS. Jason Furman: Vâng, tôi rất muốn thấy Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển tiếp theo, với sự tăng trưởng đến từ những cải tiến sáng tạo và ý tưởng hơn là từ vốn và trang thiết bị.
Đây là bước chuyển mình đầy thách thức nhưng với tư cách là một nhà kinh tế học, tôi thực sự muốn thấy điều này.
Xin cảm ơn GS. Jason Furman!
VietNamNet
Thực hiện: Hoàng Tư Giang
Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Đức Yên
Email: gocnhinthang@vietnamnet.vn
Cởi mở và chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0
Việt Nam muốn trở thành quốc gia tiên tiến trong thời đại trí tuệ nhân tạo, nhưng hiện tại đang tụt hậu. Để vượt lên không dễ, không thể ảo tưởng.
Robot Sophia nói gì về Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam?
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 sáng 13/7 tại Hà Nội, robot Sophia đã trả lời nhiều câu hỏi về Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Thủ tướng: Khẩn trương, tốc độ cao... lên tàu cách mạng công nghiệp 4.0
Nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam phát triển nhảy vọt
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, CMCN 4.0 mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển, giúp rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.