Sáng 10/7, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội) cho biết khi nhận đơn của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, bệnh viện đã tạo điều kiện để ông được thực hành theo đúng quy định.

"Hiện ông đang thực hành tại các khoa thuộc khối Nội. Sau khi kết thúc thời gian thực hành, ông Tuấn có thể làm thủ tục xin cấp giấy phép hành nghề mới", lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị nói.

Được biết, ông Tuấn bắt đầu thực hành tại bệnh viện này từ ngày 1/7.

Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn sinh năm 1967 ở Hà Nội, là bác sĩ tim mạch nổi tiếng. Tháng 10/2021, khi đang là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Tuấn bị khởi tố liên quan vụ nâng giá vật tư y tế gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội (nơi ông từng là giám đốc từ 2012-2020). Tháng 12/2021, ông bị cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt tạm giam. Tháng 4/2023, tòa tuyên mức án 3 năm tù với ông Tuấn.

Ông bị tước chứng chỉ hành nghề nhưng không bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành bản án.

IMG_2888.jpg
Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: Đoàn Bổng

Một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết "có nghe thông tin" Giáo sư Tuấn xin được thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị (là bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý), tuy nhiên chưa có báo cáo cụ thể. 

“Theo quy định, trường hợp bác sĩ Tuấn đã gián đoạn 24 tháng liên tục không hành nghề khám chữa bệnh nên để được cấp giấy phép hành nghề lại, bác sĩ này phải trải qua thời gian thực hành 12 tháng”, vị lãnh đạo trao đổi với VietNamNet.

Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định.

Theo Nghị định 96/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, từ năm 2024, thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sĩ là 12 tháng, giảm 6 tháng so với quy định trước đó. Trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 9 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng.

Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Theo quy định, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.

Trừ các trường hợp trên, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND cấp tỉnh/thành phố (ví dụ sở y tế) cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đối với các chức danh chuyên môn quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (2023).

Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 1 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc, có thời hạn 5 năm.