Gửi ô tô qua đêm tại các bãi trông xe ở gần sân bay, đi rửa xe, mang ô tô đi sửa chữa, bảo dưỡng... tất cả đều là hành động giao tài sản cá nhân cho người khác trông giữ, quản lý và thậm chí... bị sử dụng nếu chủ xe đưa cả chìa khóa. Việc này luôn tiềm ẩn những nguy cơ nhất định.
Mỗi khi xảy ra sự cố liên quan tới việc giao chìa khóa xe ô tô cho người lạ, hầu hết các ý kiến đều cho rằng như vậy là dại dột, là "sai lầm ngay từ đầu". Không giao chìa khóa xe là tốt nhất, nhưng trên thực tế, có rất nhiều tình huống các chủ ô tô cần giao cả chìa khóa khi gửi xe, thậm chí đây là việc khá phổ biến.
Ví dụ, tại các điểm trông giữ xe có diện tích nhỏ, đông đúc, xe đậu sát nhau xen kẽ dọc ngang, nhân viên trông xe thường yêu cầu chủ xe để lại chìa khóa để tiện đánh xe ra vào xếp chỗ linh hoạt. Nếu chủ xe không đồng ý để lại chìa khóa thì khả năng cao là sẽ bị từ chối nhận trông xe.
Một trường hợp khác là khi khách gửi ô tô dài ngày tại các bãi trông xe ở khu vực gần sân bay, một số chủ bãi cũng đề nghị khách để lại chìa khóa để tiện đưa đón sang sân bay, xếp xe trong trường hợp quá chật, hoặc để kịp di chuyển xe nếu không may xảy ra hỏa hoạn, ngập lụt.
Giao chìa khóa ô tô cho bãi trông xe, nhân viên rửa xe, hoặc ngay cả cho xưởng sửa chữa cũng tương tự. Mối nguy lớn là người lái "non tay", không quen xe, hoặc thậm chí chưa có bằng lái, sẽ dễ dẫn đến tai nạn.
Đã có không ít trường hợp như vậy xảy ra. Điển hình như vụ việc nhân viên bảo vệ chung cư 6th Element (Tây Hồ, Hà Nội) khi lái chiếc Mercedes S560 Maybach của cư dân vào chỗ đỗ đã đâm hàng loạt xe máy rồi lao vào chốt bảo vệ hồi cuối tháng 5. Hay gần đây là sự việc nhân viên của Volvo Hà Nội lái siêu xe Ferrari của khách gây tai nạn, ước tính phí sửa xe cả tỷ đồng.
Để phòng trường hợp "mất bò mới lo làm chuồng", theo những lái xe có kinh nghiệm và các chuyên gia, chủ xe cần có một số lưu ý trong những tình huống "bất khả kháng", phải giao lại chìa khóa xe.
Thứ nhất, cần có giấy biên nhận khi bàn giao xe và chìa khóa, nêu rõ phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của người được bàn giao tài sản. Giấy tờ này cũng cần ghi rõ hoặc có ảnh chụp số công-tơ-mét, xác nhận tình trạng xe có xước xát hay hỏng hóc không, ghi nhận các hạng mục như logo, gương, cần gạt nước...
Tốt nhất, chủ xe nên dùng điện thoại chụp, quay lại tình trạng cả bên trong và bên ngoài xe để làm "bằng chứng". Thậm chí với các xe đắt tiền, khách hàng có thể yêu cầu chủ bãi trông giữ xe dán niêm phong cửa xe.
Thứ hai, khi gửi ô tô kèm theo chìa khóa hoặc khi đi rửa ô tô, chủ xe lưu ý không để tiền và các đồ có giá trị trên xe, phòng trường hợp xảy ra mất mát, hỏng hóc hay thất lạc.
Thứ ba, chủ xe nên lựa chọn các bãi xe có mái che, được trang bị hệ thống camera giám sát, cùng hệ thống phòng cháy chữa cháy để giảm thiểu rủi ro.
Ngoài mối nguy thiệt hại về tài sản, việc giao ô tô kèm theo chìa khóa cho người khác còn có thể đẩy chủ xe vào những rắc rối liên quan đến pháp luật nếu người điều khiển xe gây tai nạn.
Do đó, đừng vì chút tiện ích mà bỏ qua yếu tố an toàn. Khi đi rửa xe, không nên giao chìa khóa cho nhân viên rửa xe, thậm chí là cả chủ cơ sở, dù đó là một "tay lái cứng". Lý do là khi lái một chiếc xe lạ, ai cũng cần có thời gian để làm quen, trong khi công việc ở các điểm trông giữ hoặc rửa xe thường cần làm nhanh.
Khi đi gửi ô tô, nếu bãi trông xe quá đông và bị yêu cầu để lại chìa khóa để nhân viên ở đó tiện đánh xe ra vào thì bạn nên thử lái xe đi xa hơn một chút, tìm các điểm trông giữ xe rộng hơn để gửi. Như vậy bạn sẽ phải đi bộ xa hơn nhưng đổi lại là cảm giác yên tâm hơn.
Trong trường hợp có nhu cầu gửi ô tô qua đêm ở gần khu vực sân bay để đi công tác hoặc du lịch, đừng chỉ vì việc tiện đưa đón tận sảnh mà gửi xe kèm theo cả chìa khóa. Thay vào đó, chủ xe nên tự đánh xe ra vào bãi đỗ, mang theo chìa khóa và sử dụng dịch vụ đưa đón sân bay bằng xe của bãi.
Rủi ro là điều không ai mong muốn, nhưng nhiều trường hợp có thể phòng tránh. Các chủ xe không nên vì một chữ "tiện" mà đẩy bản thân vào những rắc rối không đáng có, trong khi mình hoàn toàn có thể chủ động tránh.
Theo Dân trí