Bản chất của bảo hiểm và tiết kiệm ngân hàng
Gửi tiền tiết kiệm là một hình thức đầu tư sinh lời. Trong khi đó, mua bảo hiểm là hình thức để phòng rủi ro.
Cả hai loại hình nào đều có bản chất là nhờ ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm "giữ hộ" tiền và bạn đưởng hưởng lãi suất. Đến một thời điểm nhất định, bạn sẽ được rút tiền ra.
Với gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, bạn có thể dễ dàng rút tiền ra bất cứ lúc nào, chỉ là không được hưởng lãi suất như ban đầu.
Còn đối với mua bảo hiểm, các quy định về rút tiền thường phức tạp hơn. Người mua có thể sẽ không được rút tiền trong 2 năm đầu tiên (tùy quy định của hãng bảo hiểm). Sau đó, khách hàng chỉ được nhận số tiền hoàn lại khi đã trừ các chi phí liên quan. Khi rút tiền trước thời hạn, người mua bảo hiểm thường bị thiệt hơn.
Lãi suất
Tiết kiệm ngân hàng được coi là một hình thức đầu tư tài chính. Mua bảo hiểm là cách dự phòng rủi ro. Do đó, mức lãi suất của hai hình thức này có sự chênh lệch đáng kể.
Nhìn chung, hiện nay lãi suất ngân hàng dao động trong khoảng 6-7% (tùy ngân hàng, tùy kỳ hạn).
Trong khi đó, lãi suất của bảo hiểm nhân thọ thường thấp hơn, khoảng 3-5%/năm (tùy hợp đồng). Tuy nhiên, khách hàng được hưởng nhiều dịch vụ đi kèm.
Độ an toàn
Độ an toàn là tiêu chí mà khách hàng cần cân nhắc trước khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào.
Hiện nay, các công ty bảo hiểm được thành lập và hoạt động dựa theo quy định của pháp luật. Vì vậy, tính an toàn của bảo hiểm và gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng được đánh giá là tương đương nhau.
Tất nhiên, độ an toàn của việc gửi tiền ngân hàng hay mua bảo hiểm còn phụ thuộc vào ngân hàng và công ty bảo hiểm mà bạn lựa chọn. Trên thực tế, vẫn có những công ty bảo hiểm lừa đảo và những ngân hàng bị phá sản khiến khách hàng lo lắng, hoang mang. Do đó, bạn cần lựa chọn những đơn vị có uy tín trong ngành, tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi quyết định gửi tiền.
Tính bảo vệ
Đây là mặt mạnh của bảo hiểm. Khi mua bảo hiểm, bạn được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng với các khoản thanh toán lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng khi gặp tai nạn, rủi ro. Số tiền nhận về tùy thuộc vào mức đóng và số năm bạn tham gia bảo hiểm.
Trong khi đó, với việc gửi tiền ngân hàng, bạn chỉ nhận được tiền gốc và một số lãi nhất định.
Nên mua bảo hiểm hay gửi tiết kiệm?
Mỗi hình thức đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Trước khi quyết định sử dụng loại dịch vụ nào, bạn cần cân nhắc xem mục đích của mình là gì.
Nếu đơn thuần chỉ muốn đầu tư sinh lời và có một khoản tiết kiệm phòng thân, bạn hãy chọn gửi tiết kiệm ngân hàng. Nếu muốn đề phòng rủi ro, bất trắc trong tương lai, có thể sử dụng bảo hiểm.
Ngoài ra, cân nhắc vấn đề tài chính là điều vô cùng quan trọng. Nếu nguồn thu nhập không ổn định, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng sẽ phù hợp hơn so với mua bảo hiểm. Như vậy, bạn sẽ có một khoản tiền phòng thân và có thể rút ra bất cứ lúc nào. Nếu thu nhập ở mức cao và ổn định, mua bảo hiểm sẽ giúp bạn an tâm trước rủi ro.
Kết hợp cả gửi tiền tiết kiệm và mua bảo hiểm
Nếu bạn thấy khó khăn trong việc quyết định gửi tiết kiệm hay mua bảo hiểm, hãy nghĩ đến phương án đầu tư cho cả hai. Chia số tiền tiết kiệm của bạn làm 2 phần, một phần gửi ngân hàng, một phần chọn mua gói bảo hiểm phù hợp.
Với cách này, bạn có thể khắc phục nhược điểm, hưởng trọn ưu điểm của cả hai hình thức.
Lưu ý, dù chọn hình thức nào, bạn cũng cần cân nhắc kỹ tình hình tài chính của bản thân, các chương trình tiết kiệm, các gói dịch vụ bảo hiểm. Chọn đơn vị có uy tín, đọc kỹ hướng dẫn và điều khoản trong hợp đồng trước khí thực hiện giao dịch.
(Theo Khỏe và Đẹp)
Đầu tư gì với 14 tỷ đồng để thu lãi cao nhất trong 6 tháng qua?
Dùng 14 tỷ đồng gửi tiết kiệm từ tháng 11/2020 đến nay chỉ thu được 300-400 triệu tiền lãi. Nhưng nếu chọn tài sản rủi ro hơn, mức lợi nhuận có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.