Gần 100 hộ tiểu thương chấp nhận chọn khu chợ cũ nát, có thể sập xuống bất cứ lúc nào, kiên quyết từ chối chuyển sang khu chợ mới với kinh phí xây dựng lên tới hàng chục tỉ đồng.
Đó là nghịch lý tại khu chợ Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông (trên đường quốc lộ 6, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km).
Chợ cũ xuống cấp
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, PV đã đến khu chợ cũ nơi mà hằng ngày các tiểu thương vẫn đang hoạt động, kinh doanh. Hiện ra trước mắt là sự khung cảnh hỗn độn, thiếu sự quản lý. Khu chợ cũ nằm ngay sát lề đường được xây dựng từ những năm 2000.
Chợ cũ nằm ngay trên đường quốc lộ, sập sệ, hiện rõ nguy cơ mất an toàn |
Khoảng 4h chiều, chợ bắt đầu hoạt động mạnh, nhiều tiểu thương bày tràn lan các mặt hàng lấn chiếm lòng lề đường làm mất mỹ quan cũng như tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn giao thông. Đi sâu vào bên trong chợ càng thấy rõ hơn sự xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả các căn lều đều đã không còn chắc chắn, những tấm mái (có những tấm thủng lỗ chỗ) được chắp vá một cách lộn xộn, mái fibro xi măng thủng lỗ chỗ đã không còn đảm đương được chức năng che mưa, che nắng, cột chống lâu ngày bị mục, rỗng, không đảm bảo an toàn.
Nhìn một cách tổng thể thì khu chợ này bao gồm nhiều căn lều được xây dựng đơn giản mang tính chất của một khu chợ tạm nhiều hơn là một khu chợ hoạt động thường xuyên. Nền của khu chợ này toàn bộ là nền đất, cứ mỗi khi trời có mưa là lầy lội, trơn trượt.
Chợ cũ xuống cấp nghiêm trọng |
Chị Thơm bán hàng ăn vặt ở cuối chợ cho chúng tôi biết: “Tấm mái che trên quán của chị đợt mới đây đã đổ sập 1 lần, may mà chị tránh kịp, sau đó, chị và chồng lại phải tự sửa lại, tấm mái mới được độn thêm vào vị trí của tấm mái mới đổ”. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường cũng là một vấn đề bất cập ở khu chợ cũ, do thiếu sự quản lý và quy hoạch nên các cửa hàng ăn uống ở đây cứ bừa đâu là thải rác ra đấy. Lượng rác thải lớn sau hoạt động mua bán được thải trực tiếp ngay tại vị trí kinh doanh là nguyên nhân gây mùi khó chịu và thu hút ruồi nhặng.
Chợ mới tiền tỷ dân bỏ, nhà thầu cho thuê
Cách đó khoảng chừng 30m là khu chợ mới Mai Lĩnh có quy mô 7.967,4m2 với tổng mức đầu tư hơn 56 tỷ đồng do Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư. Chợ có vị trí khá thấp so với cao độ mặt đường của quốc lộ 6, mặt tiền chợ là dãy ki ốt được xây như các căn hộ vì mỗi ki ốt gồm 3 tầng thông nhau có cầu thang riêng. Chợ Mai Lĩnh mới đã hoàn thiện được 3 năm, tuy vậy tới nay khu chợ mới này vẫn vắng bóng tiểu thương.
Chợ mới Mai Lĩnh được xây dựng từ năm 2013 đến nay vẫn trong tình trạng "đắp chiếu" Theo kết luận của UBND quận Hà Đông thì khu chợ này thiết kế sai quy định |
Được hỏi về lí do tại sao không di chuyển sang khu chợ mới, một số tiểu thương cho biết: “Chợ mới không thuận đường mọi người đi làm về, chỗ cho dân buôn bán lại nằm sâu phía bên trong, tiền phí phải nộp hàng tháng cao hơn nhiều lần so với chợ cũ, làm ăn buôn bán khó khăn sợ chuyển sang không bán được hàng nên không sang.”
Đáng chú ý hơn là nhiều hạng mục của khu chợ mới mặc dù chưa qua sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp. |
Chị Phương (Bán hoa quả ở chợ Mai Linh cũ) bức xúc nói: “Ở đây đa phần là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhưng chợ mới lại được thiết kế theo kiểu căn hộ, bọn chị chỉ bán vài loại hoa quả để lấy tiền nuôi các cháu ăn học thì làm sao đủ tiền để thuê kiot trong chợ mới”.
Chưa tìm được phương án hợp lý cho 2 khu chợ sau gần 3 năm, khu chợ mới đã được chủ đầu tư đưa vào kinh doanh thuê nhà. Đóng vai người thuê nhà, PV có trao đổi với người dân tại đây cho biết giá thuê mỗi kiot để ở là 3 triệu đồng/kiot/tháng. Hiện tại, có khá nhiều người đã thuê nhà ở tại đây, anh T một người thuê nhà trao đổi với chúng tôi "các em sinh viên về đây ở là hợp lý, giá cả có thể thương lượng...". Khi PV hỏi mức giá anh T thuê hàng tháng anh T không tiết lộ và nói PV hãy trao đổi với chủ dự án?.
Kiot chợ thành nơi thuê nhà là nghịch lý khó hiểu tại dự án khu chợ này |
3 năm chưa tìm được hướng giải quyết
PV đã liên hệ với ông Lê Quang Thoan - Chủ tịch UBND P. Đồng Mai để tìm hiểu sự việc. Ông Hoàn cho biết hiện tai đang họp trên quận về công tác bầu cử các cấp, hẹn trả lời PV sau ngày bầu cử Đại hội.
Trước đó, năm 2013 theo đề nghị của các tiểu thương, UBND quận Hà Đông đã mời các cơ quan hữu quan họp xác định loại chợ và ngày 18-10- 2013, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định 6282/QĐ-UBND, xác định chợ Mai Lĩnh đạt hạng 3. Kiểm tra ban đầu cho thấy chợ xây dựng chưa đúng thiết kế cơ sở được cấp thẩm quyền phê duyệt; chủ đầu tư chưa cung cấp được các văn bản pháp lý liên quan đến dự án.
Sau khi có quyết định trên UBND thành phố đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan hữu quan giải quyết bức xúc như: chuyển các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vào vị trí tập trung phía sau các kiot, trước mắt chưa tính tiền thuê mặt bằng để cho các hộ ổn định kinh doanh, cho đấu giá các kiot phía bên ngoài. Đồng thời xem xét xử lý chủ đầu tư vì xây dựng chợ không đúng với thiết kế ban đầu.
Tuy nhiên, kể từ ngày có quyết định đến thời điểm này đã được hơn gần 3 năm nhưng mọi hoạt động của hai khu chợ vẫn chưa có gì thay đổi. Chợ cũ thì vẫn hoạt động mặc cho nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó khu chợ mới thì bỏ hoang và bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp ở nhiều hạng mục. Hằng ngày, để tránh những hiểm họa về tai nạn giao thông, lực lượng công an phường Đồng Mai phải bắc loa để tuyên truyền.
Chợ bỏ hoang là một điển hình của lãng phí trong xây dựng ở Thủ đô |
Theo Người tiêu dùng