Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 38/177 xã đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã dưới 7 tiêu chí, bình quân đạt 12 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh đã hoàn thành tổng số 2.198 tiêu chí, vượt 43 tiêu chí so với kế hoạch đề ra.

Nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Trong năm nay, Hà Giang phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Tiên Kiều (Bắc Quang); Phong Quang (Vị Xuyên); Hương Sơn (Quang Bình); Bản Ngò (Xín Mần); Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 43 xã; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Không còn xã dưới 9 tiêu chí; các xã còn lại phấn đấu mỗi xã hàng năm tăng từ 1-2 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 13 tiêu chí/xã. Gắn với thực hiện 3 thôn nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

{keywords}
Hà Giang nâng chất nông thôn mới kiểu mẫu

Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ), nay là Làng Văn hóa du lịch cộng đồng nổi tiếng với du khách xa gần, trung bình mỗi tháng có gần 1.000 lượt khách đến lưu trú tại các homestay trong thôn. Có được bộ mặt nông thôn mới khởi sắc như hôm nay là nhờ vào chủ trương đúng đắn của tỉnh, huyện; sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân quyết tâm thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới. Cùng với việc xã Quản Bạ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thôn Nặm Đăm cũng phấn đấu trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Lý Tà Đành, chủ một homestay trong thôn chia sẻ: “Nhờ có sự vận động của chính quyền địa phương, cán bộ các cơ quan, đoàn thể đã thường xuyên đến tư vấn, giúp đỡ gia đình tôi chỉnh trang lại cảnh quan xung quanh nhà, phát triển dịch vụ du lịch…; thu nhập của gia đình đã tăng đáng kể. Chúng tôi rất kỳ vọng và quyết tâm xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới”.

Đảm bảo 100% xã đạt chuẩn tiêu chí số 1 về quy hoạch

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, để tăng tiêu chí nông thôn mới trong thời gian tới, các địa phương cần chú trọng vào duy trì thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đảm bảo 100% xã đạt chuẩn tiêu chí số 1 về quy hoạch. Cần điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sản xuất trong đồ án quy hoạch xã nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp cấp huyện, cấp vùng và cấp tỉnh; đảm bảo phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và tập quán sinh hoạt từng vùng, miền. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn và đô thị, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã.

Về phát triển hạ tầng KT-XH, Hà Giang sẽ ưu tiên thực hiện tiêu chí đường giao thông nông thôn, phấn đấu hết năm nay, có khoảng 39% số xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông và trên 92% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi. Cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn, có trên 68% số xã đạt chuẩn tiêu chí về điện. Xây dựng cơ sở vật chất trường học, hệ thống trung tâm văn hóa - thể thao; hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã; hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở…

Tập trung vào phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu có khoảng 28% số xã đạt tiêu chí về thu nhập; 100% số xã đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và 93% số xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất; có 28% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo…

Đồng thời, cần nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới và công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đạt mục tiêu đẩy mạnh xây dựng hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Tuấn Anh
Ảnh: Thùy Linh