Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trồng rừng mới ước đạt 2.791,5 ha, tăng 11,5% so với cùng kỳ, đạt trên 75% kế hoạch. Trong đó, trồng rừng sản xuất là 699,1 ha; trồng rừng sau khai thác được 2.092,4 ha. Trồng cây phân tán ước đạt gần 2,5 nghìn cây các loại, tăng 28,9% so với cùng kỳ; chăm sóc rừng trồng 1.023,8 ha; thực hiện khoán hộ trồng bảo vệ rừng 270.828,3 ha.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài đã gây ra 12 vụ cháy rừng, diện tích bị thiệt hại là 23,5 ha, trong đó rừng tự nhiên là 7 ha, rừng trồng là 16,48 ha. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 113 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 24 vụ so với cùng kỳ năm 2023), đã xử lý 89 vụ, tịch thu 284,836 m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách nhà nuớc 853,54 triệu đồng.

W-tayconlinh.png
Ảnh minh hoạ

Với tổng diện tích đất tự nhiên trên 7.927 km2, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm hơn 72% tổng diện tích tự nhiên, do đó công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Giang. 

Thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch để phát huy lợi thế về lâm nghiệp với quan điểm xuyên suốt: Lấy quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Phát triển lâm nghiệp bền vững đi đôi với trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học và từng bước nâng cao độ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến năm 2023, toàn tỉnh Hà Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đạt trên 576.348 ha, cao nhất vùng Đông Bắc bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, độ che phủ rừng đạt 60%; diện tích rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 6.500 ha, nâng tổng diện tích rừng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững đạt 15.600 ha. 

PV