Hà Giang là một tỉnh biên giới, các huyện tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc có địa hình hiểm trở, trình độ dân trí còn thấp, tình trạng mua bán người xảy ra hết sức phức tạp.
Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em tại các tỉnh biên giới diễn biến hết sức phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nguyên nhân là do lợi nhuận từ hoạt động này rất lớn.
Định hướng cho nhân dân, học sinh cảnh giác với tội phạm mua bán người. |
Những kẻ tham gia đường dây mua bán người đều là các đối tượng hư hỏng, ham chơi. Nhận thức của phụ nữ trẻ ở vùng cao còn hạn chế nên dễ bị dụ dỗ, lừa gạt. Tại các huyện vùng cao, người dân vẫn sang lao động tự do bên Trung Quốc dẫn đến nguy cơ nạn nhân trong các vụ án mua bán người rất cao.
Chính vì vậy, tỉnh Hà Giang tăng cường các hoạt động phòng chống nạn mua bán người. Liên tiếp nhiều đối tượng bị bắt giữ vì có hành vi cấu kết, đưa người sang Trung Quốc bán.
Điển hình vào tháng 8/2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Giang vừa tiến hành tạm giữ hình sự 4 đối tượng liên quan đến vụ án buôn bán người. Đó là: Vương Thị Thu (SN 1977); Vương Thị Thúy (SN 1981), cùng trú tại thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; Giàng Mí Vừ (SN 1974); Giàng Thị Mỷ (SN 1972), cùng trú tại xã Du Tiến, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Ngày 16/2, Vương Thị Thu gọi điện cho Giàng Mí Vừ rủ cháu của Vừ là Vừ Thị G, sinh năm 2000 đi lấy chồng. Thu hứa sau khi xong việc sẽ cho Vừ 40 triệu đồng và cho mẹ của G là bà Giàng Thị Mỷ 100 triệu đồng. Ngày 17/2, Thu bố trí xe taxi để Giàng Mí Vừ đưa Vừ Thị G đi ra thị trấn Vị Xuyên giao cho Vương Thị Thúy.
Ngày 18/2, theo chỉ dẫn của Thu, Thúy tiếp tục đón xe taxi đưa Vừ Thị G đến Bến xe khách tỉnh Cao Bằng giao cho một người đàn ông để đưa G vượt biên trái phép nhưng thất bại.
Đến ngày 25/2, Thu liên lạc với Thúy thuê xe đưa Vừ Thị G lên Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Sau đó Thu bán G cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 5 vạn NDT (hơn 170 triệu đồng tiền Việt Nam). Ngày 21/7, Vừ Thị G được cơ quan chức năng hai nước giải cứu đưa về Việt Nam.
Hay vào đầu năm 2020, thông qua mạng xã hội Facebook, chị Sùng Thị Ch. quen người đàn ông tên Sính và giới thiệu mình là người Trung Quốc. Sau đó, Sính thường xuyên liên lạc với chị Ch. qua mạng xã hội với nick name Mua Lu và qua số điện thoại 0328.803.569 rồi từng bước dụ dỗ, động viên Ch. bỏ chồng sang Trung Quốc làm vợ.
Ngày 29/3/2020, Lử cùng Lừ đi xe máy từ huyện Mèo Vạc xuống bến xe TP Hà Giang để đón Ch., Sau khi đón được Ch., 2 đối tượng tiếp tục đưa Ch. lên huyện Bắc Mê rồi sang huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng).
Tại đây, Lử đã thuê 1 phòng nghỉ chung với Ch., còn Lừ đi trước thăm dò đường. Khi đến khu vực đầu cầu Tràng Hương vào địa bàn xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) thì gặp chốt kiểm soát của lực lượng biên phòng. Vì sợ bị phát hiện nên Lử đã bảo Ch. đi bộ qua chốt kiểm soát, nếu qua được chốt thì Lử và Lừ tiếp tục đưa hai mẹ con Ch. đi tiếp lên xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc).
Qua kiểm tra, lực lượng biên phòng thấy Ch. có nhiều nghi vấn nên chốt kiểm soát biên phòng đã kiểm tra và đưa đi cách ly tập trung để phòng, chống dịch.
Theo lời khai của 2 đối tượng, số tiền mà Vừ Mí Lừ thỏa thuận giữa đối tượng người Trung Quốc khi bán chị Ch. là 8.000 NDT (khoảng 26 triệu đồng Việt Nam); nếu đưa được cả hai mẹ con Ch. sang Trung Quốc thì số tiền sẽ là 10.000 NDT (khoảng 33 triệu đồng). Số tiền thu được Lử và Lừ sẽ chia đôi, ngoài ra Lử còn được Lừ cho thêm 1.000 NDT (hơn 3 triệu đồng) là tiền công Lử đã tìm được phụ nữ để đưa sang Trung Quốc bán.
Bên cạnh công tác đấu tranh trực tiếp với tội phạm; các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang còn tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn bán người tới từng thôn, bản để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm. Đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm. Từ đó, giúp định hướng cho nhân dân, học sinh tại các địa bàn “nóng”, khu vực giáp biên, địa bàn có nguy cơ cao cảnh giác trước các đối tượng này.
Một số hình thức tuyên truyền phổ biến là lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng,chống mua bán người vào các buổi sinh hoạt nội bộ cơ quan, đơn vị; các hoạt động ngoại khóa ở trường học; cuộc thi, hoạt động thuyết trình,…
Với hình thức tuyên truyền miệng, kết hợp với phát tờ rơi được trình bày ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ đã giúp người nghe tiếp cận được nhiều thông tin cơ bản, phù hợp với thực tế ở địa phương, trang bị được những kiến thức cơ bản về pháp luật, kỹ năng nhận biết, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm liên quan đến tội phạm mua bán người. Đồng thời phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở.
Bích Thủy