Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo như: Tăng tiêu chí xã NTM, xây dựng thôn NTM, hỗ trợ xi măng “tiếp sức” xây dựng NTM... Qua đó, đưa chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Năm 2022, tỉnh Hà Giang thực hiện kế hoạch tăng tiêu chí xã nông thôn mới, xây dựng thôn nông thôn mới (không thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới). Kết quả: Có 26/34 tiêu chí đạt so với kế hoạch đề ra; 22/60 thôn đạt 12/12 tiêu chí thôn nông thôn mới, 38 thôn còn lại đều đạt từ 9 – 11 tiêu chí. Đặc biệt, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh ta phấn đấu xây dựng huyện Bắc Quang và Quang Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Năm 2022, cũng là năm thứ 2 tỉnh Hà Giang thực hiện chủ trương đấu thầu xi măng tập trung cho các huyện, thành phố để triển khai thực hiện bê tông hoá đường giao thông nông thôn theo cơ chế “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Người dân thôn Kem, xã Tiên Yên (Quang Bình) chung tay làm đường giao thông.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngay từ những tháng đầu năm 2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo và giao Văn phòng điều phối NTM tỉnh (chủ đầu tư) chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổ chức đấu thầu mua xi măng tập trung để cung ứng cho các huyện, thành phố theo đúng quy định. Kịp thời lên kế hoạch cung ứng xi măng để các huyện, thành phố làm căn cứ tiếp nhận, quản lý và triển khai thực hiện; ban hành các văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung quán triệt và tuyên truyền nhất quán quan điểm về cơ chế thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”, để thực hiện tiêu chí đường giao thông nông thôn; cân đối bố trí nguồn kinh phí khác (ngoài xi măng) để thực hiện bê tông hoá đường giao thông nông thôn.

Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã đẩy nhanh việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ công trình đường giao thông nông thôn thuộc các xã tiếp nhận xi măng, để làm cơ sở đăng ký tiếp nhận, quản lý, bảo quản và sử dụng xi măng hỗ trợ theo đúng quy định. Triển khai cho cơ sở thực hiện thành lập các tổ, đội thi công, giám sát... để phục vụ công tác làm đường giao thông nông thôn đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Ngoài ra, các xã đã tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo xã, cán bộ phụ trách thôn trực tiếp xuống các thôn họp bàn, thống nhất các nội dung, phần việc thuộc trách nhiệm của xã, trách nhiệm của thôn, hộ gia đình; quán triệt nghiêm túc nguyên tắc công bằng, công khai, miễn giảm cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trong quá trình huy động nguồn lực từ người dân. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng gia đình, các địa phương có thể vận dụng hình thức đóng góp phù hợp như: ngày công lao động, tiền, vật tư, vận động nhân dân hiến đất....

Đến ngày 30/7/2022, đã cung ứng xi măng cho các huyện được 21.722,32/35.902 tấn, đạt 61,9% kế hoạch. Trong đó: Thành phố Hà Giang 203 tấn, đạt 93,5%; huyện Bắc Quang 9.568 tấn, đạt 100%; huyện Quản Bạ là 1.291 tấn, đạt 79,5%; huyện Xín Mần 1.721 tấn, đạt 80,1%; huyện Hoàng Su Phì 1.996,3 tấn, đạt 71,3%; huyện Quang Bình 2.818,6 tấn, đạt 41,6%; huyện Đồng Văn 446,79 tấn, đạt 28,5%; huyện Mèo Vạc 360 tấn, đạt 37,9%, huyện Vị Xuyên 1.874 tấn, đạt 34,2%; huyện Yên Minh 926,38 tấn, đạt 44,4%; huyện Bắc Mê 517,25 tấn, đạt 27,7%. Các huyện, thành phố đã triển khai làm đường bê tông các loại được 209,7/356,5 km, đạt 58,8%.

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng còn có một số hạn chế, vướng mắc như: Giá cả nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng trong thời gian gần đây có xu hướng tăng cao, nhiều nhà thi công cầm chừng; khó khăn về vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, dẫn đến việc huy động nguồn nội lực trong nhân dân còn hạn chế, do đó đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của chương trình.

Chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong năm 2022 đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân tham gia, đóng góp bằng nhân lực, vật lực… chung tay cùng nhà nước xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí số 2 trong chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Yến Hưng