Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định thực hiện 05 chương trình trọng tâm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa - xã hội; xây dựng con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu; công tác quốc phòng - an ninh; thực hiện tốt công tác an sinh - xã hội; phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước. Cùng với đó là 03 khâu đột phá về hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, nông nghiệp; tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Sau Đại hội, để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các đột phá và chương trình trọng tâm, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật như: Nghị quyết số 04 về phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; Chỉ thị số 08-CT/TU về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025...

{keywords}
Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân và Đề án Phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh... Đây được coi là nền tảng để các cấp, các ngành, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết trong thực tiễn.

Để Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch đồng bộ (quy hoạch tỉnh, vùng, huyện, quy hoạch phân khu đảm bảo chất lượng, tiến độ về thời gian); quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng thiết yếu như điện, nước cho vùng cao, giao thông nông thôn ở những vùng đang còn thiếu thốn và khó khăn.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, thành lập và ra mắt Ban Thu hút đầu tư tỉnh Hà Giang. Rà soát, đánh giá và cắt giảm, kết thúc các dự án xây dựng cơ bản được đầu tư từ ngân sách nhà nước kéo dài và không hiệu quả. Rà soát, đánh giá hiệu quả của 309 dự án ngoài ngân sách nhà nước sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư trên đại bàn toàn tỉnh…

Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh tiến hành lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt khâu đột phá về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp đặc trưng, đặc thù, gắn bảo tồn những tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa với quảng bá xúc tiến, đầu tư dịch vụ.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch với quy mô phù hợp theo tín hiệu thị trường, phát huy các sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: Chè Shan tuyết, cam Sành, mật ong bạc hà, thịt bò vàng Cao nguyên đaá... để sản xuất thành hàng hóa, gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Chú trọng chất lượng, hiệu quả thiết thực, không thành tích, không nóng vội, tạo động lực để người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Có thể nói, 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm, các nghị quyết chuyên đề và chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII được cụ thể hóa xuất phát từ thực tiễn và được chỉ đạo tổ chức thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở với cách làm sáng tạo, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế chính sách phù hợp.

Thanh Hải