Hiệu quả từ mô hình trồng ớt, dưa bao tử 

Ba năm gần đây, những cánh đồng lúa của xã Nhân Thịnh (huyện Lý Nhân) xuất hiện những thửa ruộng có diện tích lớn được dựng nhà lưới/nhà lòng để trồng ớt chỉ thiên hoặc giống dưa bao tử của Nhật Bản cho năng suất cao và giá trị kinh tế lớn hơn trồng lúa. Từ quy mô vài xã viên ban đầu, đến nay diện tích cây ớt sạch và dưa bao tử đã tăng lên nhanh chóng, nhất là tại các xóm bãi ven sông Hồng.

Theo chị Lê Thị Khá, thôn Lam Cầu, xã Nhân Thịnh (thành viên HTX Bàng Lam): “Những ruộng ớt chỉ thiên ban đầu trồng trực tiếp trên mặt ruộng không có nhà lưới bảo vệ nên năng suất cũng hạn chế, hay bị côn trùng phá hoại và sương muối những tháng mùa đông làm cho còi cọc, chết dần. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang canh tác theo mô hình hữu cơ, những luống ớt trở lên xanh mướt, ra trái quanh năm theo tính toán của xã viên HTX chúng tôi”.

Theo các xã viên tại đây, đất cát bồi ven sông ở Nhân Thịnh có thể trồng bất cứ loại rau vụ đông nào. Tuy nhiên, trồng theo mô hình hữu cơ và các giống rau cho năng suất, giá trị kinh tế cao thì chỉ có cây ớt hay dưa chuột bao tử là có triển vọng nhất. Trong đó riêng cây ớt được trồng xen canh và gối vụ, trong đó cây nghỉ ngơi từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm bởi đây là thời điểm nắng hè gay gắt, không tốt cho sự sinh trưởng và ra trái của cây.

Thực tế, diện tích trồng ớt tại Nhân Thịnh cũng mới được các HTX trồng thử nghiệm 3 năm gần đây. Trước kia, những cánh đồng bãi bồi ven sông này đa phần trông ngô tẻ, khoai (khoai lang, khoai tây) hoặc rau bí hiệu quả kinh tế thấp. Một số kĩ sư nông nghiệp là người địa phương đã về canh tác thử nghiệm trên diện tích ruộng của nhà, sau đó thuê lại ruộng của các hộ lân cận để mở rộng sản xuất. Đến nay, những hộ trồng rau hữu cơ sớm nhất cũng được 8 năm, còn đa phần là mở rộng diện tích trong 3 năm trở lại.

ca chua hu co binh luc.jpg
100% diện tích trồng rau của các HTX tại Nhân Thịnh hay An Ninh đều được canh tác theo quy trình hữu cơ,

Theo chị Khá, trừ các chi phí như thuê ruộng (với người canh tác lớn hoặc HTX; mức giá thuê 200 – 250 nghìn đồng/sào/năm) và công chăm sóc (các chi phí phân bón hưu cơ không nhiều; nước tưới, điện thắp sáng không đáng kể). Thị trường tiêu thụ sản phẩm ớt chỉ thiên khá tốt và đa dạng. Riêng ớt của Nhân Thịnh, trên 50% sản lượng ớt được bán cho doanh nghiệp chế biến (tương ớt, ớt bột, dấm ớt…) xuất khẩu. Giá trị kinh tế trên mỗi sào ớt đang rất triển vọng, được nhiều HTX nhân rộng diện tích.

Cụ thể, chi phí sản xuất cho 1 sào ớt sản xuất trong 1 vụ (tầm 8 – 9 tháng và trồng gối sang 2 năm) dao động 4 triệu đồng/sào (tiền giống, phân bón cải tạo đất ban đầu, thuốc bảo vệ thực vật, nilon phủ luống trồng, bơm tưới, công thuê lao động làm). Với năng suất cây ớt chỉ thiên từ 500 – 700 kg/sào, bán giá bình quân 25 – 30 nghìn đồng/kg; có lúc xuống giá cũng từ 8-12 nghìn đồng/kg. Như vậy, giá trị sản xuất của 1 sào ớt chỉ thiên đạt trên 12 triệu đồng, trừ chi phí đem lại lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng.

Từ hiệu quả do cây ớt chỉ thiên mang lại, đến nay các HTX của xã Nhân Thịnh đã mở rộng được diện tích sản xuất khá lớn lên đến gần 750 ha, riêng đất trồng cây hàng năm 511 ha. Trong đó diện tích 150 ha đất bãi của địa phương dọc theo sông Hồng đã được bà con tập trung sản xuất rau hữu cơ trong đó có cây ớt chỉ thiên và dưa chuột bao tử là chủ lực.

Đẩy mạnh phát triển rau vụ đông chất lượng cao

Cũng có đất bồi ven sông như xã Nhân Thịnh huyện Lý Nhân, các xã ven sông Châu Giang của huyện Bình Lục cũng tận dụng rất tốt diện tích để chuyên canh rau vụ đông chất lượng cao. Đơn cử tại xã An Ninh, nhiều HTX tại đây đã duy trì hiệu quả sản xuất rau vụ đông có giá trị hàng hóa như: rau bí lấy ngọn, ngô nếp dẻo, dưa chuột bao tử…

Theo bà Hoàng Thị Năm, vụ đông năm 2023 này chỉ tính riêng quả non và ngọn bí làm rau bà đã thu được khoảng 3 triệu đồng/sào. Xen canh với cây bí là ngô nếp non và dưa bao tử. “Chi phí cho trồng bí đỏ không nhiều (riêng khoản tiền thu được từ bán ngọn rau đã bù đủ), lại xen canh với dưa… Nên chỉ với 7 sào bí đỏ và một mình tôi lao động thường xuyên, mỗi vụ tôi có thể thu hoạch được từ 12-15 triệu đồng/sào với 3 loại rau nói trên”.

Theo người dân thôn An Phong, xã An Ninh, để tránh tình trạng rau rớt giá đa phần các hộ đã tham gia vào các HTX sản xuất nông nghiệp. Qua đó, rau vụ động được thu hoạch và tiêu thụ theo từng đợt, được doanh nghiệp về thu mua nên không còn tình trạng phải đổ bỏ hoặc rớt giá do không bán được cho ai như trước. Việc xen canh gối vụ các loại rau ngô cũng giúp các xã viên bớt cực nhọc hơn.

Cụ thể, gần tới kì thu hoạch ngô nếp HN88, để tận dụng được đất, tiết kiệm công chăm sóc, lại tăng thêm thu nhập, các xã viên sẽ trồng gối đầu sang cây bí bảo đảm nguồn thu nhập thường xuyên. Được biết, diện tích rau vụ đông của xã An Ninh luôn duy trì từ 80 đến hơn 100 ha, tập trung trên diện tích đất bãi chuyên màu và đất lúa cốt cao. “Vụ đông năm 2023 này, tuy gặp mưa úng đầu vụ (cuối tháng 9), địa phương vẫn đạt diện tích gieo trồng hơn 80 ha: cây bí đỏ 40 ha, ngô nếp 20 ha, còn lại là dưa chuột…”, bà Năm nói.

Điều đáng mừng hơn, 100% diện tích trồng rau của các HTX tại Nhân Thịnh hay An Ninh đều được canh tác theo quy trình hữu cơ, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trọn gói nên đã đem lại thu nhập cao cho xã viên, đồng thời thu hút được nhiều người dân hăng hái tham gia các HTX.

Thanh Nga và nhóm PV, BTV