Thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” theo Quyết định số 977/QĐ-TTg (11/8/2022) của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đề ra. 

Theo đó, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai nội dung của Đề án, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan nghiêm túc thực hiện. Thường xuyên biên tập tài liệu, đăng phát tin, bài tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân trên Chuyên trang Phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng.

W-20230608-165244-1.jpg
Nhiều địa phương đã xây dựng, triển khai các mô hình, hình thức tiếp cận pháp luật phù hợp với từng đối tượng.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc tổ chức các hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật đã góp phần hướng dẫn, cung cấp kiến thức, kỹ năng để người dân chủ động tiếp cận, tìm hiểu pháp luật; trợ giúp pháp lý, nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho người khuyết tật, người yếu thế trên địa bàn tỉnh. 

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu, thực trạng thực hiện pháp luật của người dân, nhiều địa phương đã nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình, hình thức tiếp cận pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Một số hình thức phổ biến như: câu lạc bộ pháp luật; nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hòa giải; nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giải phóng mặt bằng…

Việc cung cấp, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác pháp luật tại các địa phương được triển khai bằng hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt nhóm nòng cốt, câu lạc bộ; đồng thời gắn với việc thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp đã bảo đảm duy trì thường xuyên giới thiệu toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật mới, biên tập tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật... trên Chuyên trang Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Hà Nam.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên phổ biến quy định pháp luật trên trang Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương, củng cố, nâng cao hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Các địa phương đã bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chương trình, đề án được giao. Đồng thời, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và bố trí nguồn lực, đầu tư cho các chương trình, đề án, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm bảo đảm việc cung cấp thông tin pháp luật cho người dân được đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi.

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV