Gặp đoàn kiểm tra của huyện Mê Linh (Hà Nội), người dân thôn Chu Phan (xã Chu Phan) than vãn, hơn 17 năm qua, họ đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan, đơn vị của thành phố... phản ánh tình trạng khai thác cát ở bãi sông Hồng làm ảnh hưởng đến đời sống suốt ngày đêm.

Người dân thôn Chu Phan lo ngại bãi bồi sông Hồng bị sạt lở trong mùa mưa bão (Ảnh: Quang Phong).

Ông Nguyễn Hồng Đức (74 tuổi), Bí thư chi bộ thôn Chu Phan cho biết, bãi bồi sông Hồng trước thôn này rộng hàng chục ha. Từ đời ông, cha, các hộ dân trong thôn Chu Phan đã trồng ngô, khoai, chăn thả gia súc ở bãi bồi này.

Tuy nhiên, từ năm 2006, vùng đất chuyên canh hoa màu của thôn Chu Phan được giao cho một công ty khai thác cát làm vật liệu xây dựng. Ông Đức cho biết, công ty này không cắm mốc giới vùng được khai thác trước yêu cầu của người dân địa phương.

“Chúng tôi được biết, diện tích được cấp phép khai thác khoảng 42ha. Nhưng hiện nay, gần chục ha xung quanh khu vực này đã bị đào xới. Các hố khai thác sâu gần chục mét nên người dân lo ngại bờ đê bị ảnh hưởng khi mùa mưa bão sắp về”, ông Đức chia sẻ. 

Trước đây, bãi bồi này là nơi trồng hoa màu của người dân thôn Chu Phan.

Theo ông Nguyễn Văn Thống (70 tuổi, nguyên Trưởng thôn Chu Phan), cá nhân ông không có ý kiến gì với chủ trương cho doanh nghiệp khai thác cát ở bãi bồi sông Hồng. Tuy nhiên, chính quyền và doanh nghiệp phải cắm mốc ranh giới phạm vi khai thác trong giấy phép để người dân an tâm canh tác ở phần đất còn lại.

“Mốc giới không rõ ràng, nay doanh nghiệp cho máy múc cát chỗ này, mai múc chỗ khác. Tôi nêu ý kiến thì bị đe doạ. Quá bức xúc nên tôi xin rút không làm trưởng thôn nữa”, ông Thống chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thống, nguyên Trưởng thôn Chu Phan bức xúc nói về tình trạng khai thác cát ở bãi bồi sông Hồng.

Bà N.T.B. cho biết, từ khi bãi bồi của thôn Chu Phan được cấp phép khai thác khoáng sản đến nay đã hơn 17 năm, gia đình bà phải sống chung với bụi bẩn, ồn ào từ xe tải chở cát chạy suốt ngày trên đường làng.

“Về mùa mưa, đường liên thôn, liên xã lúc nào cũng ngập ngụa đất cát. Còn về mùa thu, đông, bụi, cát bay mịt mù”, bà B. bức xúc nói.

Trước nỗi lo, bức xúc của người dân, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã thành lập đoàn để kiểm tra toàn diện công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong đó, đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào việc làm rõ những kiến nghị của người dân thôn Chu Phan.

Ông Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng TN&MT huyện Mê Linh cho biết, đoàn kiểm tra đã thu thập tài liệu về các bãi khai thác cát ở sông Hồng, trên địa bàn thôn Chu Phan.

“Bước đầu, đoàn kiểm tra xác định một số dấu hiệu vi phạm của các bãi khai thác cát này. Cụ thể như khai thác vượt quá ranh giới cho phép, gây lo ngại cho người dân trước mùa mưa bão”, ông Ngọc cho hay.

Theo ông Trần Nguyễn Ngọc, quá trình khảo sát thực tế, đoàn kiểm tra sẽ ghi nhận toàn bộ hiện trạng các bãi khai thác cát ở sông Hồng thuộc địa bàn huyện Mê Linh. Sau đó, cán bộ của đoàn kiểm tra đối chiếu với các tư liệu, giấy phép khai thác khoáng sản của các công ty. Từ đó mới ra được kết luận các công ty có vi phạm hay không để đưa ra hướng xử lý dứt điểm.

Tránh gây lãng phí tài nguyên, xử lý nghiêm 'cát tặc'

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị liên quan phải khẩn trương rà soát các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn; xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép.

Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu bảo vệ và khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường và phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.

Thực hiện chủ trương trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao Sở TN&MT làm đầu mối theo dõi các đơn vị trong quá trình triển khai công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn.