Quy chế này quy định đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan quản lý Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội; Các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ, đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố; Các đối tượng thụ hưởng và các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố.

Theo đó, về kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, mức hỗ trợ 100% dành cho các khoản chi phí về tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với mức hỗ trợ tối đa không quá 7 triệu đồng/doanh nghiệp đối với đánh giá năng lực doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; đánh giá và công nhận các doanh nghiệp có trình độ, quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế.

Mức hỗ trợ 70% các khoản chi phí về tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội chợ, triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ trong nước với mức hỗ trợ tối đa là 12 triệu đồng/1 đơn vị tham gia; tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ tại nước ngoài với mức hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng/1 đơn vị tham gia.

Đối với hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu, mức hỗ trợ 100% áp dụng cho chi giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; mức hỗ trợ 70% đối với chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố...

Quy chế cũng quy định nguồn kinh phí thực hiện chương trình: Ngân sách Thành phố bảo đảm kinh phí cho các hoạt động Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ do UBND Thành phố giao Sở Công Thương tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn thành phố; Nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tất cả các quy định, nguyên tắc sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ; điều kiện để được hỗ trợ kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ; nội dung chi và mức chi; lập, chấp hành và quyết toán theo quy định tại Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/6/2020.

Khánh Vy