Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP (ngày 11/10) đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 ca mắc COVID-19 (F0), trong đó, 103 ca ngoài cộng đồng, 270 ca tại khu cách ly, 48 ca tại khu phong toả, 21 ca nhập cảnh.

Người từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đa số chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khoẻ tại nhà, cách ly tại nhà, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát.

Theo thống kê của Sở Y tế TP Hà Nội, tính đến hôm nay (18-11), TP Hà Nội ghi nhận nhiều ổ dịch đang diễn biến phức tạp, trong đó 3 ổ dịch lớn nhất đều vượt 200 ca, gồm ổ dịch chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) với 269 ca, ổ dịch thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, Mê Linh) 257 ca và ổ dịch Phú Đô với 233 ca.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, số ca mắc cộng đồng được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt cũng rất cao. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 6.739 ca, trong đó 2.428 ca ghi nhận ngoài cộng đồng và 4.311 ca là các trường hợp đã được cách ly.

Tỉ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 đạt 92,3% (chiếm 69,4% tổng dân số), mũi 2 đạt 55,4% (chiếm 41,6% dân số). Trong đó, tỉ lệ người trên 50 tuổi tiêm vaccine mũi 1 đạt 79%, mũi 2 đạt 45.9%. Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết hiện còn khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đang chờ đến thời hạn được tiêm mũi 2 bắt đầu từ ngày 15/11. Thành phố cũng sẵn sàng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thành phố đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị COVID-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị. Hệ thống oxy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…

“Rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại TPHCM các tỉnh phía nam, Thành phố xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cốt trong phòng chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở. Các trạm y tế, đội y tế lưu động tại các khu cách ly, phong toả vẫn đang duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; sẵn sàng phương án điều trị, thu dung ngay tại trạm y tế”, bà Trần Thị Nhị Hà cho hay.

Tại Hà Nội, mặc dù việc tiêm vắc xin đang được tiến hành cấp tốc, nhưng vẫn có nhiều đối tượng chưa được vắc xin bao phủ như: Người có bệnh nền không đủ điều kiện tiêm, người cao tuổi, trẻ em...

Chưa kể, vì là trung tâm của cả nước, đầu mối giao thông quốc gia, nên hằng ngày, thành phố tiếp nhận hàng ngàn phương tiện và người dân từ khắp nơi đổ về; lượng khách nhập cảnh cũng không nhỏ...

Chia sẻ với báo chí, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đưa mối lo lắng với tình hình dịch bệnh hiện nay khi các ca bệnh cao, nếu người dân không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch thì thời gian tới các ca mắc sẽ tiếp tục tăng, cấp độ dịch của Hà Nội cũng sẽ tăng theo.

Nếu những dự đoán của các chuyên gia y tế thành hiện thực, Hà Nội sẽ không còn nhiều những vùng xanh mà thay vào đó sẽ là vùng vàng, vùng đỏ.

Khi thành phố mở cửa trở lại, các hoạt động dịch vụ được nới lỏng, hàng quán ăn uống tại chỗ bắt đầu những chuỗi ngày phục vụ hết công suất. Cũng từ đây, việc vi phạm quy định phòng, chống dịch xảy ra tại nhiều nơi.

Nhìn nhận rõ những bất cập trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian này, trong cuộc thị sát, kiểm tra điểm nóng Covid-19 trên địa bàn quận Ba Đình, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn phê bình: Tình hình dịch bệnh trên cả nước và Hà Nội từ sau khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đang diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng mạnh. Trong khi đó, có tình trạng chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; xuất hiện nhiều biểu hiện không an toàn. Nhiều hàng quán tập trung đông người trong phòng kín, vách ngăn thưa, không bảo đảm “5K”...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đưa cảnh báo, tâm lý chủ quan ngày càng phổ biến. Trong đó, nhiều người dân chưa thực hiện nghiêm “5K”; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch khi không yêu cầu khách quét mã QR, khai báo y tế; thậm chí có cơ sở hoạt động trái phép...

Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, Hà Nội cùng với cả nước đang từng bước thực hiện việc thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh. Việc xuất hiện những ca mắc mới trong “bình thường mới” là điều không thể tránh khỏi, đã nằm trong dự liệu của Thủ đô.

Tuy nhiên, không thể vì do là điều không thể tránh khỏi mà để dịch lây lan sâu rộng vào trong cộng đồng. Muốn an toàn với dịch bệnh, cấp ủy chính quyền và nhân dân Thủ đô cần có những giải pháp căn cơ, làm sao vừa linh hoạt vừa hiệu quả. Có như thế, Hà Nội mới từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Duy Tiến