Ngày 31/7, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023.

Báo cáo tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố chủ động, sáng tạo triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Đồng thời đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Xây dựng, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

tiep-can-phap-luat-1.jpg
Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật TP.Hà Nội giúp người dân hiểu, tiếp cận pháp luật không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm chủ động của mỗi người dân.

Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố luôn chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; phổ biến thực tiễn chấp hành pháp luật, chính sách mới thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; Dự án đường vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội; phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính; chính quyền đô thị, chuyển đổi số…

Trong tuyên truyền, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật giúp người dân hiểu, tiếp cận pháp luật không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm chủ động của mỗi người dân để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật.

Thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí, hỗ trợ người dân giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về pháp luật. Xây dựng, triển khai các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.

Quán triệt, thông tin, truyền thông thường xuyên, liên tục bằng các hình thức phù hợp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân. Qua đó, thu hút đông đảo được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn tham gia, tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật, thực hiện theo pháp luật sôi nổi trên địa bàn Thủ đô.

Song song đó, Hội đồng niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên Trang thông tin điện tử để người dân, doanh nghiệp được biết.

Bố trí cán bộ, công chức, viên chức và phân công đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức vận hành hệ thống đường dây nóng của cơ quan, đơn vị nhằm quản lý thông tin tiếp nhận, kết quả xử lý thông tin và xử lý vụ việc được phản ánh qua đường dây nóng đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan.

Bên cạnh thực hiện hình thức phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh, sử dụng nhiều ứng dụng mới để tuyên truyền theo phương thức hiện đại như Hà Nội Media Box, mạng xã hội Lotus, chuyển tải dưới hình thức infographic, video điện tử, mạng xã hội, fanpage, màn hình Led, qua thiết bị điện tử tại nhà chung cư, khu đô thị, tin nhắn điện tử, thư điện tử...

Một số mô hình, cách thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả như tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật qua Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật (https//pbgdpl.hanoi.gov.vn); qua hệ thống cơ quan báo chí; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập Trang thông tin điện tử, mạng xã hội (fanpage, Zalo, Facebook...).

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương cũng cho biết vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là một số ngành, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật; một số đơn vị chưa có sự đổi mới mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong chỉ đạo, triển khai, đầu tư nguồn lực, kiểm tra, đôn đốc của đối với công tác này...

Thời gian tới, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố Hà Nội tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan, tổ chức trong bảo đảm, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật, đặc biệt trong hoạt động giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân. Trọng tâm là xây dựng, triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn theo định kỳ và tổ chức hội thảo, tọa đàm, cuộc thi chuyên môn nghiệp vụ…

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thi đua, khen thưởng trong việc thi hành pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức trong các hoạt động liên quan đến tiếp cận pháp luật của người dân.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV