Sáng nay, với đa số đại biểu thống nhất, HĐND TP Hà Nội đã thông qua tờ trình bảng các loại giá đất trên địa bàn TP áp dụng từ tháng 1/2020 đến 12/2024.
TP Hà Nội thống nhất bảng giá đất giai đoạn này điều chỉnh mức tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019.
Đất tại một số phố ở quận Hoàn Kiếm có giá gần 188 triệu đồng/m2 |
Cụ thể, giá đất đô thị trong nội thành tối đa thuộc quận Hoàn Kiếm (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ) có giá gần 188 triệu đồng/m2; giá thấp nhất là ở quận Hà Đông, hơn 4,5 triệu đồng/m2.
Giá đất ở đô thị tại các phường của thị xã Sơn Tây tối đa hơn 19 triệu đồng/m2 và thấp nhất hơn 1,4 triệu đồng/m2. Giá đất ở tại thị trấn thuộc các huyện tối đa hơn 25 triệu đồng/m2, giá tối thiểu là 1,4 triệu đồng/m2.
Giá đất nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội ở các xã giáp ranh quận cao nhất là 32 triệu đồng/m2 và tối thiểu hơn 2,2 triệu đồng/m2. Đất ở ven trục đường giao thông chính tối đa hơn 17 triệu đồng/m2 và tối thiểu là 670 nghìn đồng/m2. Khu dân cư nông thôn còn lại có giá tối đa là 3,2 triệu đồng/m2, tối thiểu là 495 nghìn đồng/m2.
UBND TP Hà Nội cho hay, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động trực tiếp vào kinh tế - xã hội của TP.
Cục Thuế TP dự kiến trong giai đoạn 2020 - 2024, bảng giá đất điều chỉnh sẽ làm tăng thu cho ngân sách đối với các loại thuế, phí, tiền thuê đất tương ứng hơn 3.810 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng sẽ làm tăng chi phí đối với người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản, đến công tác giải phóng mặt bằng làm các dự án của TP. Cụ thể như các chủ đầu tư sẽ tranh thủ tăng giá bán bất động sản tại dự án với lý giải do các khoản thuế, phí tăng; các hộ dân nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trông chờ giá bồi thường tăng.
Trước đó, theo Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga, mức giá cao nhất cao hơn khoảng 16% so với khung giá Chính phủ, cao hơn một chút so với giá cũ. Đây chỉ là bảng giá, giá đất với từng vị trí cụ thể khi cần sẽ có hội đồng thẩm định giá đất của TP xác định.
Góp ý kiến, ĐB Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai) cho rằng, với mức điều chỉnh chung 15%, cần có tuyên truyền bởi trong 5 năm vừa qua, với mức phát triển kinh tế 6 - 7%, lạm phát trung bình 4%/năm; điều chỉnh giá đất tăng 15% là tương ứng với giá lạm phát 5 năm qua.
“Mặc dù việc điều chỉnh không theo giá thị trường nhưng nếu nhìn ở góc độ sản xuất kinh doanh thì giá đất hiện nay quá cao so với đa số người dân.
Với mức giá ở các trục phố chính lên đến 700 - 800 triệu, 1 tỷ/m2 là bất hợp lý. Nên việc điều chỉnh giá cũng không kỳ vọng theo giá thị trường và giá thị trường cũng chưa chắc là giá thật”, ông Đoàn nêu.
ĐB đề nghị TP cần có thêm chính sách hỗ trợ về việc làm cho những người bị thu hồi đất phục vụ sản xuất kinh doanh, cũng cần có hội đồng để công tâm khi thu hồi đền bù giá đất.
Hà Nội muốn xây nhà cao tầng vượt quy định trên đất vàng sát hồ Gươm
Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng 2 tòa nhà cao tầng ở ngay phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm.
Hương Quỳnh