Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dự thảo bám sát Điều 220, Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa đất, hợp thửa đất.

Theo dự thảo, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m2.

Tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80m2, các xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150m2.

Trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, lối đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5m trở lên đối với thị trấn, 4m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5m trở lên đối với khu vực trung du, miền núi.

W-dau gia dat hoai duc ha noi vietnamnet 5.jpg
Khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hồng Khanh

Với đất phi nông nghiệp, quy định này áp dụng cho các thửa đất ngoài trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án. Tại phường, thị trấn, đối với đất thương mại, dịch vụ, thửa đất mới phải có chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 10m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 400m2. Với các loại đất phi nông nghiệp khác, phải có chiều rộng từ 20m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 1.000m2. 

Tại các xã khác, đối với đất thương mại, dịch vụ, diện tích không nhỏ hơn 800m2 và đối với đất phi nông nghiệp khác, diện tích không nhỏ hơn 2.000m2.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc chia tách thửa đất cần thực hiện sao cho bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị và nâng cao chất lượng đời sống dân sinh, cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của người dân và mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.

Ngoài tuân thủ tiêu chí về diện tích và hạ tầng kỹ thuật, còn cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.

Bên cạnh đó, việc tách thửa đất cần bảo đảm không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội nhằm tránh tình trạng quá tải và bảo đảm chất lượng cuộc sống trong các khu vực dân cư. Về lâu dài, cần tính đến các yếu tố phát triển bền vững, tránh phá vỡ quy hoạch chung hoặc gây ra sự mất cân đối trong hạ tầng kỹ thuật và xã hội, duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.

Hiện việc tách thửa ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 20 năm 2017. Theo đó, lô đất sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30m2 với các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở mới (tối thiểu) với các địa bàn còn lại.

Điều 220 Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa, hợp thửa đất. Theo đó, người dân có thể tách, hợp thửa đất khi đảm bảo các điều kiện. Trong đó, việc tách, hợp thửa phải có lối đi, kết nối với đường giao thông công cộng hiện có, bảo đảm cấp, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Nếu người sử dụng đất dành một phần diện tích có đất ở trong cùng một thửa làm lối đi, khi tách, hợp thửa đất không phải chuyển đổi mục đích sử dụng với phần diện tích làm lối đi đó.

Ngoài ra, các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh. Nếu thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn mức tối thiểu thì phải đồng thời hợp thửa với mảnh đất liền kề.