UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt dự toán lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.
Theo quyết định, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch là khu tập thể Nghĩa Tân có diện tích khoảng 30ha.
Phía Bắc trùng với tim đường Hoàng Quốc Việt; Phía Tây trùng với mép vỉa hè hiện trạng phía Đông đường Nguyễn Phong Sắc; phía Đông, Đông Nam và phía Nam trùng với tim phố Tô Hiệu.
Giá trị dự toán lập quy hoạch là hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, gồm: chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch; chi phí lập đồ án quy hoạch; chi phí lập hồ sơ quy hoạch theo GIS; chi phí thẩm định nhiệm vụ, thẩm định đồ án quy hoạch; chi phí quản lý nghiệp vụ; chi phí tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư; chi phí công bố quy hoạch; chi phí thực hiện công tác thầu.
Giá trị dự toán được xác định chính xác khi thực hiện thanh quyết toán theo thực tế các hạng mục công việc.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay có gần 1.580 nhà chung cư cũ, trong đó có hơn 1.200 nhà thuộc 76 khu chung cư và hơn 300 chung cư cũ độc lập.
Chính sách cải tạo chung cư cũ của thành phố được thực hiện từ năm 2005 nhưng đến nay mới có 19 dự án được hoàn thành, 14 dự án đang triển khai.
Khu tập thể Nghĩa Tân là một trong những khu tập thể, chung cư cũ có tính khả thi cao được Hà Nội thực hiện cải tạo, xây dựng lại giai đoạn 2021 – 2030.
Cụ thể, theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 được UBND TP Hà Nội phê duyệt, đến năm 2025, thành phố triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp).
Đến năm 2030, triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ (6 khu có tính khả thi cao: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và hoàn thành 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D).
Thêm ưu đãi cho dự án cải tạo chung cư cũ
Mới đây, nêu tại tờ trình dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi tới Chính phủ, đối với quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Bộ Xây dựng cho hay, thời gian qua có một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về di dời, cưỡng chế di dời, phá dỡ nhà chung cư nguy hiểm; quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư.
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho sửa dự thảo Luật Nhà ở theo hướng luật hóa quy định về cưỡng chế, di dời, phá dỡ chung cư cũ; tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng chung cư cũ; chỉnh sửa quy định về thẩm quyền hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình hạ tầng trong phạm vi dự án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ cho phù hợp; quy định rõ Nhà nước có trách nhiệm kiểm định chất lượng nhà chung cư thay vì người dân phải đóng góp kinh phí để kiểm định.
Bên cạnh đó, để tăng ưu đãi cho chủ đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung vào khoản 2, điều 64 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) việc cho phép chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ sau khi tái định cư cho cư dân các tòa chung cư cũ được bán số căn hộ còn lại của dự án.