Theo thống kê từ cơ quan chuyên môn, từ đầu năm 2012 đến hết tháng 6/2021, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã phát hiện, điều tra 52 vụ mua bán người, mua bán trẻ em với 111 nạn nhân bị lừa bán. Qua đó bắt giữ 111 đối tượng, khởi tố 52 vụ án với 107 bị can. Nạn nhân bị mua bán qua biên giới chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là sang Trung Quốc (chiếm hơn 75%), phần lớn là phụ nữ.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen trên mạng xã hội, thậm chí hứa hẹn giới thiệu việc làm tốt, thu nhập cao... sau đó lừa bán nạn nhân.
Dạy nghề là giải pháp giúp các nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống. |
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn phát hiện thủ đoạn mua bán người mới xuất hiện. Đó là các đối tượng dụ dỗ phụ nữ mang thai hộ cho người nước ngoài vì mục đích thương mại hoặc tìm kiếm phụ nữ mang thai ngoài ý muốn sắp đến ngày sinh, đưa nạn nhân ra nước ngoài sinh con, rồi lừa bán. Nạn nhân của các vụ việc chủ yếu là phụ nữ, trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đời sống khó khăn…
Năm 2021, thành phố Hà Nội đã, đang thực hiện nhiều giải pháp để người dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa nạn mua bán người. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Hằng năm, Hà Nội mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn toàn thành phố, để tập trung sự chỉ đạo và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người. Ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, di cư tự do...
Các cơ quan chức năng còn quan tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ có điều kiện, cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, nhiều nạn nhân được giải cứu hoặc tự trở về không có giấy tờ tùy thân và họ thường chịu nhiều tổn thất về thể chất, tinh thần, thậm chí có những người bị mất trí nhớ, nghiện rượu, ma túy...
Để hỗ trợ nạn nhân, các cơ quan chức năng thành phố có nhiều chính sách, giải pháp trợ giúp cho họ cả về vật chất, tinh thần. Trong đó có hoạt động dạy nghề, tạo việc làm. Giải pháp này là yếu tố quan trọng giúp nạn nhân quên đi quá khứ, hướng tới tương lai
Hỗ trợ học văn hóa, học nghề và hỗ trợ vay vốn là 2 trong số các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã được quy định trong Luật Phòng, chống mua bán người. Trường hợp nạn nhân học nghề trình độ sơ cấp sẽ được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Không may nạn nhân bị ốm nặng phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị thì chi phí khám, chữa bệnh được thực hiện theo chính sách bảo hiểm y tế…
Một số trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa về sống tại Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, địa chỉ tại đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ.
Việc cung cấp số điện thoại đường dây nóng qua Tổng đài điện thoại quốc gia 111 và qua Trung tâm Dịch vụ công tác xã hội Hà Nội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) với số liên hệ 02433.525.662 hoặc 0912.902.611 cũng được phổ biến đến đông đảo người dân. Các dịch vụ này trực tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, nạn nhân bị mua bán 24/24 giờ...
Đức Yên