Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, về cơ bản, đã có sự phối hợp của TP Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thành phố trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, từ Thường trực Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, UNND Thành phố Hà Nội đều có chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo theo định kỳ.

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra; tổ chức kiểm điểm đối với 4 tập thể; khắc phục các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra; rà soát, tiếp tục thực hiện những nội dung chưa khắc phục xong.

Với vi phạm xảy ra tại từng địa bàn, UBND quận Thanh Xuân đã kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các nội dung được kiến nghị tại kết luận thanh tra như: UBND quận, Phòng Quản lý đô thị quận, UBND phường Nhân Chính, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, Phòng Giáo dục và đào tạo quận cùng 13 cá nhân. Việc khắc phục vẫn tiếp tục đối với các nội dung chưa thực hiện xong.

Loạt cao ốc dọc hai bên trục đường Lê Văn Lương (Ảnh: Hồng Khanh) 

UBND quận Nam Từ Liêm đã thực hiện kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân thuộc Phòng Quản lý đô thị quận, UBND phường Trung Văn, UBND phường Đại Mỗ và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận; có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư, UBND các phường khắc phục. Hiện các nội dung kiến nghị đang trong quá trình thực hiện.

UBND quận Hà Đông cũng đã yêu cầu các đơn vị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức qua các thời kỳ để xảy ra tồn tại, thiếu sót nêu trong kết luận thanh tra. Hiện tại, quận Hà Đông và các phòng, ban, đơn vị có liên quan đang triển khai kiểm điểm theo quy định.

Đối với tồn tại liên quan đến quản lý trật tự xây dựng, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo Đội Quản lý Trật tự xây dựng chủ trì phối hợp UBND các phường liên quan tổ chức làm việc, đôn đốc, thiết lập hồ sơ yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương có biện pháp khắc phục tồn tại về xây dựng tại dự án.

Chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc (Công ty CP Thương mại và Đầu tư Toàn cầu GTC) đã khắc phục xong hạng mục công trình vi phạm tại ô đất P (A-P). 

Tại quận Cầu Giấy, đã có 3 chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình có vi phạm trật tự xây dựng. UBND quận đã giao các cơ quan chuyên môn của quận và UBND phường Trung Hòa tiếp tục tuyên truyền, vận động chủ đầu tư tự phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện 3 quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với những công trình còn tồn tại vi phạm.

Tại dự án trung tâm dịch vụ số 2 thuộc ô NN2 - Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, phường Trung Hòa và chủ đầu tư đã tự giác phá dỡ phần mái bê tông cốt thép có diện tích 100m2. UBND quận đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Bể bơi thông minh và các tổ chức cá nhân có liên quan về việc phá dỡ phần công trình có vi phạm trật tự xây dựng. Hiện nay, UBND quận Cầu Giấy vẫn tiếp tục thực hiện, chỉ đạo thực hiện một số nội dung chưa thực hiện xong.

Công ty CP Dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội, Công ty cổ phần tập đoàn Nam Cường đã có văn bản báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra.

Nâng từ 6 lên 39 tầng, “xẻ thịt” đất cây xanh

Trước đó, nêu tại kết luận, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng, từ 6 tầng lên 39 tầng…

"Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN) đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ", Thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Cũng theo Thanh tra Bộ Xây dựng, việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án đã vi phạm khi chỉ tiêu quy hoạch tại đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án đã phê duyệt trước, đồ án có tỷ lệ nhỏ hơn không phù hợp với đồ án tỷ lệ lớn hơn mà không thuyết minh về sự sai khác, không tính toán sự đáp ứng về kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Như tại tuyến đường Lê Văn Lương, nơi được nhiều người dân Thủ đô biết đến là "con đường đau khổ" với chỉ khoảng hơn 2km nhưng có đến 40 tòa chung cư "đu bám" dọc tuyến đường gây nên tình trạng quá tải về hạ tầng, xã hội. Theo kết luận thanh tra, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 không tuân thủ quy định tại Điều 3 Quyết định số 130 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. 

Cùng với đó có nhiều nội dung về chỉ tiêu hạ tầng xã hội, cây xanh vi phạm quy chuẩn xây dựng. Trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra có 12 dự án không bố trí cây xanh, một dự án thiếu diện tích cây xanh, chỉ đạt 10%...

Tháng 5/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr về việc Thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.