UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phải kiểm định xong chất lượng 24 biệt thự và 8 công trình thuộc sở hữu Nhà nước trước ngày 30/9. Việc khảo sát, đánh giá sơ bộ chất lượng của 1.192 biệt thự còn lại phải xong trước ngày 30/6/2024.

Các đơn vị phải tính toán mức độ an toàn của các biệt thự, từ đó đề xuất các biện pháp tiếp tục sử dụng hay sửa chữa.

Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa bị bỏ hoang từ năm 2014 đến nay. Ảnh: Quang Phong

TP Hà Nội khuyến khích chủ sở hữu, quản lý, sử dụng tự bỏ kinh phí để đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự, để sớm có phương án bảo tồn, chỉnh trang.

Sau khi có kết quả đánh giá, kiểm định biệt thự và một số công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954, Hà Nội sẽ đầu tư kinh phí để chỉnh trang, bảo tồn các công trình do thành phố quản lý.

TP Hà Nội cũng khuyến nghị các cơ quan Trung ương sớm bố trí kinh phí để kiểm định chất lượng biệt thự. Qua đó có giải pháp chỉnh trang, bảo tồn các biệt thự.

Trong danh mục 24 biệt thự kiểm định xong trước ngày 30/9 có căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (quận Hoàn Kiếm) rộng hơn 400m2, từng được nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên sử dụng.

Giai đoạn từ năm 2002-2014, ông Nghiên thuê căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Từ năm 2014 đến nay, căn biệt thự này bị bỏ hoang, xuống cấp.

Cử tri quận Hoàn Kiếm nhiều lần kiến nghị TP Hà Nội sớm có phương án quản lý, sử dụng căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Tuy nhiên, do Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng nên TP Hà Nội tạm thời chưa đưa ra phương án cụ thể cho căn biệt thự này.

Tháng 6/2022, TP Hà Nội ban hành quy chế quản lý, sử dụng 1.216 biệt thự xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn. Theo đó, tất cả nhà biệt thự thuộc danh mục không được tự ý phá dỡ.

Trường hợp biệt thự nằm trong danh mục bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, muốn cải tạo phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng và được cấp thẩm quyền cho phép.