Cùng với cả nước, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), Hà Nội cũng tổ chức hàng loạt hoạt động truyền lửa tri ân, phát huy tinh thần đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng.

Với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người có công, thân nhân người có công với cách mạng ở Thủ đô ngày càng được mở rộng và mức hỗ trợ ngày càng được tăng lên. 

Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, một trong những yếu tố quan trọng giúp thành phố thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công là nhờ luôn có những chính sách đặc thù.

Cụ thể, cuối năm 2022, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định một số chính sách đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội.

me vnah.jpeg
Thân nhân người có công với cách mạng cũng được TP Hà Nội chăm sóc sức khoẻ 

Theo đó, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và thân nhân liệt sĩ sống cô đơn, không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nuôi dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của Thành phố.

Con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng nuôi dưỡng tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin Thành phố.

Các nhóm đối tượng này được hưởng mức tiền ăn 3.000.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy chi khác phục vụ nuôi dưỡng (điện, nước, vệ sinh, quần áo, thuốc chữa bệnh thông thường...): 500.000 đồng/người/ tháng.

Ngoài ra, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng khi thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công có mức hỗ trợ bằng tiền mặt 1.000.000 đồng/người/năm.

Cùng với đó là Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Ngày Quốc khánh 2-9, Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tết Trung thu.

Kết quả, từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2022/ NĐ-HĐND; tổ chức tập huấn tại các xã, phường, thị trấn về việc triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu người có công để thực hiện giải quyết hồ sơ liên thông trợ cấp mai táng khi người có công từ trần.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công với cách mạng của Hà Nội là 1.061 tỷ đồng. Trong đó, thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 81.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 887,5 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 87 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 45 tỷ đồng; điều chỉnh mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 29.870 trường hợp, kinh phí 41,8 tỷ đồng.

Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cũng đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trên địa bàn, tích cực kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của UBND thành phố năm 2023. Tính đến hết tháng 6/2023, thực hiện các chỉ tiêu phong trào Đền ơn đáp nghĩa, toàn thành phố vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 21,4/22,9 tỷ đồng, đạt 93,5% kế hoạch chung.

Đặc biệt, thành phố vận động xã hội hóa cho việc tu sửa, nâng cấp 126/143 nhà ở cho người có công, đạt 88,1% kế hoạch năm, với kinh phí 5,88 tỷ đồng (gồm 54 nhà xây dựng mới, 72 nhà sửa chữa); tặng 735/1.254 sổ tiết kiệm tình nghĩa, đạt 58,6% kế hoạch năm, với kinh phí 2,36 tỷ đồng, trung bình 3,2 triệu đồng/sổ (giá trị sổ tiết kiệm đã tăng 1,1 triệu đồng/sổ so với năm 2022).

Trong tháng 6 và tháng 7, các quận, huyện, thị xã đã và đang phối hợp với các bệnh viện, ban chỉ huy quân sự cấp huyện, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp thuốc và tặng quà cho gần 30.000 đối tượng chính sách người có công với cách mạng, với kinh phí dự kiến gần 6 ­tỷ đồng.

Ngô Thị Huyền, Nguyễn Hải Dương, Vũ Việt Bảo Phùng, Lê Thị Như Quỳnh