Do ảnh hưởng của bão số 3, nước sông Cầu và sông Cà Lồ dâng cao, nhiều thôn thuộc xã Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) rơi vào cảnh ngập lụt chưa từng có. Sau khi nước rút, những cánh đồng lúa chết trắng một vùng.
Theo thống kê của UBND huyện Sóc Sơn, có đến 230ha ruộng lúa bị đổ và ngập úng vì bão số 3 và trận lụt sau đó. Nặng nhất là các thôn Hòa Bình, An Lạc (thuộc xã Trung Giã).
Chỉ tính riêng thôn An Lạc có 110ha lúa bị ngập, 10ha lúa bị đổ. Những nơi nước đã rút để trơ thân lúa thì toàn bộ cây đã ngả màu vàng úa vì ngập úng lâu ngày. 110ha lúa và hoa màu bị ngập ảnh hưởng này không thể cứu vãn mà buộc cắt bỏ, rắc vôi xử lý và chờ tới mùa vụ tiếp theo.
Trong ảnh 3 sào lúa của gia đình anh Đỗ Văn Trung (thôn An Lạc) đang tới thì trổ bông, không chịu được cảnh ngâm nước lâu ngày đã đổ dạt và chết úa. "Những nơi khác trong huyện lúa chỉ bị đổ người dân vẫn có thể gặt lại để vớt vát nhưng ở thôn của tôi do ngập lâu ngày nên các hộ đều không thể thu hoạch gì", anh Trung nói.
Một đoạn đường tại cánh đồng thôn An Lạc nằm chắn ngang cánh đồng và bờ sông đã bị sạt lở nặng sau trận lụt lịch sử. Thôn An Lạc có 55m đê ngăn cách sông và cánh đồng bị sạt lở hiện chưa thể khắc phục.
Vườn cây ăn quả của gia đình chị Tạ Thị Châu cũng lụi tàn vì ngập úng. Tại đây, nước vẫn chưa rút hết, thiệt hại ước tính gần 200 triệu đồng.
Theo thống kê gần nhất, thôn An Lạc là nơi chịu thiệt hại về lúa và hoa màu nặng nhất tại huyện Sóc Sơn. Những khu vườn trồng rau màu cũng thất thu vì trận lụt. Do ảnh hưởng của bão số Yagi, 430 hộ dân của thôn An Lạc đều bị nước lũ tràn vào.
Tại một sân chơi, mặt cỏ cũng vàng úa. Bùn đất còn bám đầy trên sân.
Nhiều con đường trong thôn đến nay vẫn phủ một lớp bùn dày cộp, khô nứt. Do tình hình nước lũ còn ngập sâu ở một số vùng nên chưa thể thống kê thiệt hại đến thời điểm này.