Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thành phố; phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng nội địa, kiến tạo môi trường phát triển mạng lưới bền vững cao cấp áp dụng công nghệ có hàm lượng tri trức cao, các hoạt động xuất nhập khẩu, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo, ứng dụng Chuyển đổi Số trong sản xuất-kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, đồng thời, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Tại kế hoạch này, Hà Nội đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến hết năm 2024, thành phố giảm 3,5 - 4,5% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa; Tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 80%; 85% các khu, cụm công nghiệp và 60% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Tiếp tục phấn đấu 60-70% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Đồng thời, xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Để đạt được các mục tiêu trên, Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp phân phối ký cam kết giảm thiểu túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phối hợp với các doanh nghiệp đưa ra lộ trình thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy.
Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Nếu tiếp tục giữ thói quen sử dụng túi nilon tại các siêu thị, cửa hàng, một khi không kiểm soát được lượng túi nilon thải ra mỗi ngày thì chính người tiêu dùng phải chịu những tác hại khủng khiếp từ chúng.
Túi nilon phân hủy rất lâu. Túi nilon vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, thiếu nước sạch sinh hoạt. Chưa kể, túi nilon cũng không an toàn đối với sức khỏe con người. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người mua không nên dùng nilon để đựng thực phẩm hay những mặt hàng ăn liền.
Đến nay, trên địa bàn Hà Nội có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy mà chuyển sang dùng túi nilon tự hủy sinh học, túi môi trường sử dụng nhiều lần khi phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Một số siêu thị, trung tâm thương mại đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía; thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ngừng cung cấp ống hút nhựa, sử dụng ống hút được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…) tại các khu vực kinh doanh ăn, uống. Các sản phẩm túi đựng rác tự phân hủy cũng được cung cấp rộng rãi hơn.