XEM CLIP:

Nhiều người dân sinh sống tại khu vực ngõ 345 Khương Trung, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) phản ánh đến VietNamNet về một sân bóng nhân tạo mới được xây dựng khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn. 

Cụ thể, khoảng tháng 4/2023, sân bóng với diện tích cả trăm m2 được dựng lên với các hạng mục gồm lưới chắn, bóng đèn cao áp, mặt sân cỏ nhân tạo và các hạng mục để phục vụ việc đá bóng. 

Phần đất trong ngõ 345 Khương Trung được quây tôn và treo biển Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân.
Phía sau lớp rào tôn xuất hiện sân bóng cỏ nhân tạo. 

Đáng chú ý, phần đất mà sân bóng dựng lên lại nằm trong diện tích đất mới được thu hồi của các hộ dân thuộc hợp tác xã Nông nghiệp phường Khương Đình. Mục đích thu hồi phần đất nêu trên để thực hiện dự án đường vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng.

Được biết, để có mặt bằng triển khai dự án đường vành đai 2,5 nêu trên, chính quyền địa phương đã di dời gần 30 hộ dân vào khoảng tháng 5/2022. 

Sau khi hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, diện tích đất nêu trên do Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân (Hà Nội) quản lý. Trong thời gian chờ HĐND TP Hà Nội phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, thời gian gần đây, trên khu đất này xuất hiện một sân bóng nhân tạo. 

Sân bóng thời điểm còn hoạt động khoảng tháng 4/2023. (Ảnh người dân cung cấp)

Ghi nhận của PV VietNamNet ngày 12/5 tại ngõ 345 Khương Trung cho thấy, sân bóng nhân tạo nằm lọt bên trong khu đất được quây tôn bao quanh. Hạ tầng xây dựng gồm hệ thống cột điện cao áp, lưới chắn bóng và mặt sân cỏ nhân tạo cùng các hạng mục khác. 

Một gia đình sống cạnh sân bóng này cho biết, cách đây khoảng nửa tháng, có nhiều người vào sân chơi bóng. Việc sân bóng hoạt động khiến cuộc sống của họ bị xáo trộn. Theo phản ánh, có hôm việc đá bóng diễn ra đến 23h đêm, tiếng bóng va vào hàng rào tôn gây ra tiếng ồn, huyên náo cả khu dân cư. 

Trước những ảnh hưởng của việc hoạt động sân bóng gây ra, người dân làm đơn kiến nghị gửi UBND TP Hà Nội, quận Thanh Xuân và phường Khương Đình yêu cầu làm rõ các vấn đề xoay quanh việc cấp phép xây dựng sân bóng. 

Trong đơn kiến nghị, người dân bày tỏ lo ngại khi mùa mưa đang đến, việc san nền làm sân bóng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ngập úng và các yếu tố liên quan đến tình hình an ninh trật tự trong khu vực. 

Sân bóng được đầu tư hệ thống lưới, đèn cao áp, mặt sân cỏ nhân tạo. 
Thời điểm ngày 12/5, sân bóng này trong tình trạng dừng hoạt động. 

Trả lời VietNamNet, ông Phạm Tần Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình xác nhận đã nhận được phản ánh của người dân và đã cử các lực lượng vào cuộc kiểm tra. 

Theo ông Phạm Tần Anh, sau khi kiểm tra, UBND phường xác định sân bóng trên xây dựng khi chưa được các cấp thẩm quyền cấp phép. Đồng thời, phường cũng yêu cầu các bên có liên quan đình chỉ hoạt động thi công tại khu vực sân bóng đang xây dựng. 

Khi được hỏi ai là người xây dựng sân bóng nhân tạo tại ngõ 345 Khương Trung, ông Phạm Tần Anh trả lời "không biết". Tuy nhiên, trong chính văn bản của Phó Chủ tịch phường ký lại thể hiện nội dung: "Ông Phạm Văn Khánh là đại diện đơn vị thi công".

Hoạt động của sân bóng khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn.

Ngoài ra, theo ông Phạm Tần Anh, phần đất nêu trên đã được bàn giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân nên các hồ sơ, thủ tục và hoạt động diễn ra trong khu vực nêu trên thuộc thẩm quyền của quận. Ở góc độ quản lý địa phương, UBND phường đã ra thông báo niêm yết về việc yêu cầu chủ đầu tư xây dựng phải tự tháo dỡ công trình vi phạm. 

Trong thông báo của UBND phường nêu rõ: "Nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình vi phạm, UBND phường sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định". Tuy nhiên, từ ngày ra thông báo (27/4) đến nay, công trình nêu trên vẫn tồn tại nguyên vẹn tại con ngõ 345 Khương Trung.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm

Năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 14 nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Đáng chú ý, nhằm nâng cao quản lý về trật tự xây dựng, Chỉ thị 14 giao các Sở TN&MT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, GTVT, Công Thương và Công an TP, UBND các quận, huyện, thị xã xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp vi phạm trên đất công. 

Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các địa phương phải tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.