Trước đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định, đánh giá kết quả chuyển đổi số năm 2024 của các cơ quan trên địa bàn thành phố. Theo quyết định này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, đánh giá kết quả chuyển đổi số các sở ngành và đơn vị. Tham gia Hội đồng thẩm định có: Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng là Phó Chủ tịch hội đồng và 11 ủy viên hội đồng là đại diện các đơn vị và một số bộ ngành cùng một số chuyên gia lĩnh vực chuyển đổi số.
Quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ được lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội quán triệt tới từng cơ sở, từng đảng viên với quyết tâm đưa Hà Nội trở thành địa phương trong nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước.
Thực tế, sau 3 năm Bộ TT&TT thực hiện đánh giá và công bố Chỉ số chuyển đổi số - DTI của quốc gia và cấp bộ, tỉnh, mức độ chuyển đổi số của thành phố Hà Nội đã có nhiều cải thiện. Cụ thể, kết quả DTI 2022 được Bộ TT&TT công bố năm 2023 cho thấy, Thủ đô Hà Nội đã tăng 19 bậc so với kỳ đánh giá đầu tiên, xếp thứ 24 trong 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Đáng chú ý trong các tiêu chí thành phần chỉ số kinh tế số xếp thứ 18, tăng 20 bậc so với năm 2021; xã hội số xếp thứ 30, tăng 17 bậc; tuy nhiên chính quyền số lại chỉ tăng 1 bậc, xếp thứ 40. Năm 2024 cũng là lần đầu tiên UBND Thành phố Hà Nội ban hành bộ chỉ số chuyển đổi số của thành phố nên các chỉ số thành phần được đưa ra với thang điểm rất chi tiết.
Cụ thể, đánh giá chuyển đổi số của Hà Nội gồm 2 bộ chỉ số cấp thành phố và cấp huyện, sẽ được sử dụng để đánh giá cho 22 sở, ban, ngành và 30 UBND quận, huyện, thị xã. Trong đó cả 2 bộ chỉ số đều có 9 chỉ số chính, được phân thành 2 nhóm gồm 5 chỉ số nền tảng chung là nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng; 4 chỉ số hoạt động về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và mức độ hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số của năm.
Ở cấp thành phố, bộ chỉ số cấp thành phố có 46 chỉ số thành phần; còn bộ chỉ số cấp huyện gồm 60 chỉ số thành phần. Và để thực hiện được mục tiêu này, UBND Thành phố Hà Nội cũng hướng dẫn rõ, 22 sở, ban, ngành sẽ đánh giá theo bộ chỉ số cấp thành phố; trong đó riêng 9 sở có nhiệm vụ về phát triển kinh tế số còn được yêu cầu đánh giá thêm chỉ số về hoạt động kinh tế số tại bộ chỉ số cấp huyện. UBND của 30 quận, huyện, thị xã sẽ đánh giá theo bộ chỉ số cấp huyện.
Nói thêm về các chỉ số này, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, với việc lần đầu tiên ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn, kể từ năm 2024, định kỳ hằng năm thành phố sẽ tổ chức đánh giá và công bố công khai kết quả chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cùng UBND các quận, huyện, thị xã. “Trong các năm trước, Hà Nội chỉ đánh giá về cải cách hành chính của các đơn vị. Năm nay là năm đầu tiên thành phố xác định mức độ chuyển đổi số của từng cơ quan, địa phương”, đại diện Sở TT&TT chia sẻ.
Các chỉ số đánh giá là vậy, nhiều người dân thắc mắc vậy Hà Nội đặt trọng tâm vào việc quản trị dựa trên tiêu chí trọng tâm nào? Theo lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, dữ liệu số sẽ là hướng quản lý trọng tâm và phát triển. Cụ thể, năm 2024, chủ đề chung của hoạt động chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, trong đó trọng tâm là "Quản trị dựa trên dữ liệu số".
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh trong năm nay. Theo đó, các mục tiêu thành phố hướng tới đạt được trong năm nay là hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng lưu trữ dùng chung của thành phố ví dụ như chỉ số Thành phố thông minh. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ hoàn thành việc triển khai hạ tầng số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố theo lộ trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời cải thiện chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh của Hà Nội.