Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thức đẩy thu hút đâu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.
Tại kỳ họp, nhiều ý kiến đại biểu đưa ra đề xuất với thành phố tăng cường các giải pháp hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Quốc Oai đánh giá cao sự vào cuộc của thành phố trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khi triển khai tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP và khi thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng đặc thù của thành phố gồm 10 nhóm đối tượng chưa có trong Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương cũng đề nghị thành phố cần tuyên truyền rộng rãi các chính sách ưu đãi của Chính phủ và thành phố đến với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là chính sách về thuế và bảo hiểm.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Hương cũng mong muốn thành phố không chỉ có chính sách trước mắt hỗ trợ người dân và doanh nghiệp mà cần có chính sách lâu dài để hỗ trợ phục hồi sản xuất và đẩy mạnh phát triển. Đồng thời, được tiếp cận với đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025 của thành phố.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho biết các doanh nghiệp rất mong muốn thành phố tăng đối thoại với doanh nghiệp, thậm chí được tham gia cùng xây dựng các quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Mê Linh, mong muốn thành phố giảm phong tỏa diện rộng, chỉ nên khoanh vùng hạn chế; đồng thời triển khai tối đa công nghệ thông tin trong công tác chống dịch, lưu thông hàng hóa đảm bảo dịch vụ tối thiểu của người dân.
Trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, đại biểu mong muốn Hà Nội có chính sách giãn và giảm thuế cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Cũng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn cũng đề xuất thành phố có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, Ban xây dựng chính sách thành phố cần có sự tham gia của doanh nghiệp, tận dụng chất xám của họ để đưa ra những chính sách hợp lý.
Trong thời gian vừa qua, Dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Hà Nội
đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, Ủy ban Nhân dân đã hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc…
Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức kết nối doanh nghiệp với ngân hàng qua đó doanh nghiệp tiếp cận nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có vốn cho sản xuất kinh doanh…
Được biết, Hà Nội đã triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, đang thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển, như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội cũng đang phối hợp với các Sở, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất… xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế bám sát theo tiến độ khống chế dịch bệnh trên từng địa bàn của thành phố.
Theo đó, tại các khu vực có nguy cơ thấp duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh; ở những nơi có đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn” và từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa bàn kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Còn tại các khu vực nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội; đồng thời Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt.
Bích Thủy