Từ 0h ngày 19/7, TP Hà Nội yêu cầu người dân ở tại nhà, không tụ tập quá 5 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Sau quyết định này của chính quyền Thủ đô, người dân đổ xô tới các siêu thị mua các loại mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm về tích trữ từ chiều tối ngày 18/7. 

Tại một số siêu thị lớn, lượng khách tăng vọt. Mặt hàng được mua nhiều nhất là lương thực, thực phẩm. Nhiều siêu thị, người dân xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ mới tới lượt thanh toán. Hàng trên quầy kệ siêu thị cũng trống trơn.

Tình trạng này tái diện vào đầu giờ sáng ngày 19/7 tại các chợ dân sinh, khiến mặt hàng thực phẩm như thịt lợn tại một số chợ “cháy hàng”.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, năng lực sản xuất của người dân Hà Nội gần như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 10,5 triệu dân hàng tháng. Ngoài ra, thành phố còn tăng cường hợp tác, kết nối với 21 tỉnh, thành trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Hà Nội xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

{keywords}
Hà Nội lập phương án "luồng xanh" bảo hàng hoá được phân phối thông suốt, không ách tắc trong bất cứ tình huống dịch nào

Hà Nội đã bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo đó, lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần so với bình thường. Cụ thể, dự trữ 836.000 tấn gạo; 167.346 tấn thịt lợn; 48.150 tấn thịt trâu, bò; 55.782 tấn thịt gia cầm; trên 1 triệu quả trứng gia cầm... Vì vậy, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.

Hiện, trên địa bàn thành phố hiện có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa,... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. TP Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định, sẵn sàng huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện, cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán, đề nghị Tổng công ty vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới các điểm bán trên toàn thành phố.

Hiện, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện nhất, giảm chi phí về logictic.

Trước thực tế Hà Nội cần chuẩn bị cho mọi tình huống trong bối cảnh diễn biến dịch nhanh, phức tạp, đồng thời thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội  yêu cầu Sở NN-PTNT rà soát lại sản xuất để chủ động về nguồn rau quả, thịt cá để có thể ứng phó với diễn biến dịch kéo dài.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương để xây dựng phương án bố trí "luồng xanh” cho xe chở lương thực, thực phẩm, mặt hàng thiết yếu từ điểm cung ứng, nhà kho đến tận địa điểm bán hàng. Đảm bảo hàng hoá được phân phối thông suốt, không ách tắc trong bất cứ tình huống dịch nào.

Bên cạnh đó, Sở Công thương phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn. Từ đó, tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía Bắc, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Cần đa dạng vùng cung cấp, không chỉ ở một vùng để có phương án thay thế khi cần thiết.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải cũng đã công bố "luồng xanh quốc gia” và "luồng xanh" nội tỉnh để kết nối với các địa phương lân cận trong vận chuyển hàng hoá được. "Luồng xanh" vận tải này được áp dụng trong lưu thông hàng cho TP HCM, các tỉnh phía Nam khi thực hiện giãn cách xã hội.

Các xe trong diện "luồng xanh" được cấp thẻ nhận diện có mã QR, dán trên cửa kính; ưu tiên đi lại khi qua chốt, không phải quay đầu như các phương tiện khác khi đến khu vực giãn cách; và có thể không phải dừng lại để kiểm tra, đơn vị chức năng chỉ kiểm tra xác xuất một số xe có sử dụng đúng thẻ nhận diện hay không.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế công bố ngày 19/7, các lái xe đi vào "luồng xanh" vẫn phải có giấy xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu phòng chống dịch của các địa phương, nhưng được miễn phí xét nghiệm.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bài và ảnh: Thu Thủy