Chiều nay (20/11), Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

{keywords}
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Thành

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 33 điều; dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Trong đó có một số nội dung quy định đáng chú ý, còn nhiều ý kiến như biên chế một phường gồm bao nhiêu công chức; có cho phép ký hợp đồng làm công tác chuyên môn giải quyết các công việc mang tính chất có thời hạn, thời vụ, phù hợp thực tiễn hay không; trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức UBND phường không…

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, liên quan đến nội dung đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nếu không giao cho Công an phường chịu trách nhiệm địa bàn thì rất khó thực hiện, vì địa giới hành chính từng phường có đặc trưng riêng.

“Dù lực lượng Công an thực hiện theo chỉ đạo từ ngành dọc rồi, nhưng phải có lãnh đạo Công an trong Đảng ủy phường thì mới tham gia chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn được”, ông Long nói.

Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, cần linh hoạt trong quy định về đội ngũ công chức phường, không nên quy định “trung bình 15 công chức một phường” vì có phường lớn, phường nhỏ, đông dân cư, có những phường có nhiều nhiệm vụ, quận có thể điều chỉnh, biệt phái công chức đến công tác cho phù hợp.

Ông Lưu cũng cho rằng, hiện nay việc đảm bảo an ninh, trật tự đô thị, nhiều nhiệm vụ khác nếu không có sự hiện diện của Công an phường thì không thực hiện được.

Góp ý vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVI Ngô Thị Thanh Hằng đồng tình với việc nếu không có Công an tham gia trong UBND phường thì rất khó làm việc…

Đặc biệt, hiện nay có những chung cư trên địa bàn các phường có hàng nghìn, chục nghìn người, nhiều tệ nạn mới xuất hiện, nếu không có lực lượng Công an từ cơ sở thì quận, thành phố không “với tay dài” nắm được.

Bà Hằng cũng cho rằng, không nên quy định mỗi phường bình quân 15 công chức, mà nên ghi từ bao nhiêu đến bao nhiêu để quận linh động điều động, sử dụng, bởi có những phường hiện nay chỉ 5.000 – 7.000 dân, trong khi có phường tới 40.000 dân.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, không nên quy định cứng số lượng 15 biên chế cho cấp phường, mà trên cơ sở tổng biên chế của quận được TP phê duyệt, Chủ tịch UBND quận sẽ có phân bổ số lượng hợp lý cho từng phường.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn cơ quan soạn thảo Nghị định vận dụng tối đa các cơ chế cho Hà Nội mà không trái với Nghị quyết 97 của Quốc hội.

Trong đó, cần quy định cụ thể hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng; về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ cấp phường; nếu không cơ cấu Trưởng Công an phường tham gia UBND phường thì cần quy định rõ về mối quan hệ công tác giữa UBND phường và Công an phường; quy định rõ hơn về trách nhiệm giải trình của UBND cấp phường trước HĐND cấp quận và các cơ quan có thẩm quyền...

Không quy định rõ về cơ chế thủ trưởng có nguy cơ mất cán bộ

Băn khoăn về hoạt động của UBND phường theo chế độ thủ trưởng theo nguyên tắc tập trung dân chủ, ông Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, không phải dễ.

“Chế độ thủ trưởng nhưng theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì có thực hiện được không. Không quy định rõ thì không vận hành được, có xung đột, công việc trì trệ. Nhiều khi chủ tịch UBND phường lại không dám quyết”, ông Huệ nói.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: T.Hải

Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, trong dự thảo trước đây, quy định Chủ tịch UBND phường được quyền quyết định, không tham khảo ý kiến của các Phó Chủ tịch, các ủy viên. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý thì lại thấy quy định Chủ tịch UBND phường tham khảo ý kiến tập thể, các Phó Chủ tịch trước khi ra quyết định. Như thế vẫn giữ như mô hình trước đây, theo cơ chế tập thể chứ không phải cơ chế thủ trưởng.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, nếu không quy định rõ về cơ chế thủ trưởng có nguy cơ dẫn đến sai phạm, mất cán bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, bộ phận soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ hơn về chế độ thủ trưởng nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; hoàn thiện thêm về nguyên tắc làm việc của UBND phường và Chủ tịch UBND phường.

Ông Tuấn cũng đồng tình với ý kiến của một số lãnh đạo phường, quận về việc nên đưa Công an vào cơ cấu tổ chức UBND phường để cùng thực hiện bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn.

“Tất nhiên không phải là công chức của phường, ngành dọc vẫn chỉ đạo”, ông Tuấn nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn "Thép đã tôi thế đấy" tâm sự với cán bộ nòng cốt

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn "Thép đã tôi thế đấy" tâm sự với cán bộ nòng cốt

Trong hai nội dung Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn tâm sự và nhấn mạnh thêm với các cán bộ nòng cốt của Đảng có câu nổi tiếng, rất xúc động, sâu sắc trong truyện "Thép đã tôi thế đấy".

Hương Quỳnh