Tiêu hủy 14 tấn thực phẩm không nguồn gốc

Đến năm 2024, trên địa bàn Thủ đô có 72.671 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó có 39.244 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; 718 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị; 25 trung tâm thương mại; 14.081 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; 5.044 ha trồng rau an toàn được quản lý. 

Từ đầu năm nay, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm (ATTP). Thành phố thành lập 656 đoàn kiểm tra 70.809 cơ sở, trong đó 63.445 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 89,6%), còn lại 7.364 cơ sở vi phạm; xử phạt hành chính 3.234 cơ sở với tổng số tiền hơn 14,1 tỷ đồng.

Các vi phạm chủ yếu như cơ sở chưa đáp ứng được quy định về khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ. Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không thực hiện cam kết đảm bảo. Nhiều vi phạm tại khu vực bếp, như có côn trùng và động vật gây hại. Ghi nhãn sản phẩm không đúng quy định. 

banh trung tjhu.png
Hà Nội còn hơn 10% cơ sở vi phạm các quy định về ATTP. Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng của thành phố đã tiêu hủy 199 loại sản phẩm bao gồm 10.000 bánh trung thu và hơn 14 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Một cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh tuyên truyền 

Năm 2024, UBND TP triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong đó chú trọng công tác tuyên truyền với đa dạng hình thức, nội dung.

Tháng 2/2024, UBND TP đã ban hành kế hoạch tuyên truyền công tác ATTP. Qua đó, thành phố đặt ra mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và tầng lớp nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm; tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP đối với việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố.

UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền về công tác đảm bảo ATTP trên báo chí thành phố, báo chí trung ương và địa phương phối hợp, hệ thống thông tin cơ sở. 

Đăng tải thông tin kịp thời về hoạt động; lan tỏa những thông tin tích cực, gương người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay đảm bảo ATTP trên các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh và cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP.

Ngày 2/12, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch 352 về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn thành phố với mục tiêu nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ thành phố tới cơ sở theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả.

Cũng theo kế hoạch này, trong thời gian tới, Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về an ninh, ATTP cho các đối tượng là người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. 100% người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có kiến thức, thực hành đúng về ATTP.

100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận.

100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm toàn thành phố, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ theo kế hoạch.

100% vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo, điều tra, xử lý kịp thời, thông tin phản ánh về không bảo đảm ATTP được kiểm tra xác minh và xử lý kịp thời và xử lý hành vi vi phạm theo quy định.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến thực phẩm áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo GAP, HACCP, ISO 22000…; phát triển các chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc.