Tiêu hủy 30 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Quảng Ninh, đến tháng 9, toàn tỉnh hiện có 47.360 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, lĩnh vực thuộc ngành y tế quản lý là 9.253 cơ sở; ngành công thương quản lý 10.072 cơ sở; ngành nông nghiệp quản lý 28.350 cơ sở.
Các đơn vị do ngành y tế quản lý như bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai… Phần lớn các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Nguồn cung cấp đa dạng từ trong tỉnh, các địa phương khác và nhập khẩu.
Địa phương cũng là nơi phát triển du lịch với nhiều lễ hội lớn diễn ra quanh năm nên việc quản lý giám sát ATTP ở đây rất khó khăn, nguy cơ mất an toàn thực phẩm hiện hữu. Để đảm bảo ATTP, trong thời gian qua, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực kiểm soát với nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời.
Chi Cục ATTP tỉnh phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố, các hội tổ chức xã hội để kiểm tra, giám sát, kiểm soát xử lý ATTP. Đơn vị cũng thường xuyên chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành lấy mẫu tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn trong các khách sạn, nhà hàng, khu công nghiệp.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Quảng Ninh, tính đến tháng 9, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra hơn 12.708 lượt cơ sở, tăng hơn 7.962 lượt so với cùng kỳ năm 2023.
Nhờ đó, lực lượng chức năng đã phát hiện vi phạm và xử phạt 793 cơ sở (tăng 306 cơ sở so với cùng kỳ 2023), thu nộp ngân sách Nhà nước gần 6 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy trên 30 tấn thực phẩm không đảm bảo ATTP các loại. Đồng thời, thông tin công khai các tổ chức, cá nhân bị xử phạt trên các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và các website của Sở Y tế, Chi cục ATTP tỉnh. Đặc biệt, đã kiểm tra đột xuất 458 vụ từ thông tin của người tiêu dùng qua các đường dây nóng, phát hiện, xử phạt 444 trường hợp vi phạm.
Hai mũi nhọn đảm bảo ATTP
Tăng cường kiểm tra: Đặc điểm mùa du lịch quanh năm nên ngành y tế phối hợp với địa phương siết chặt việc kiểm tra trực tiếp tại địa bàn.
Với thức ăn đường phố, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra dụng cụ bảo quản, chế biến thức ăn, nguồn nguyên liệu chế biến. Với thực phẩm ở các nhà hàng lớn, kiểm tra kinh doanh hàng hóa đúng nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, vệ sinh khu vực kinh doanh.
Đối với bếp ăn tập thể ở trường học, ngành y tế đã tăng cường phối hợp với ngành giáo dục kiểm tra chặt chẽ công tác ăn bán trú từ lựa chọn thực phẩm, các đơn vị cung ứng phải có giấy kiểm định của cơ quan chức năng, bếp ăn trong trường phải đảm bảo đúng quy định về ATTP.
Giám sát từ sản xuất tới tiêu dùng: Hằng năm, ngành y tế tỉnh đề ra các kế hoạch giám sát các sản phẩm chế biến kinh doanh từ chợ tới siêu thị, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh du lịch, các sự kiện lễ hội, hội nghị, hội thảo đông người tham gia.
Qua giám sát, nếu phát hiện các vụ việc có nguy cơ mất ATTP sẽ xử lý, cảnh báo, ngăn chặn, không để thực phẩm có hại gây ra thị trường.
Đặc biệt, các sản sản phẩm thực phẩm chức năng đang được sản xuất và phân phối trên thị trường phải đảm bảo quy định về nhập hàng, bảo quản, lưu kho, xây dựng các quy trình sản xuất, truy xuất các mặt hàng này.
Qua công tác giám sát, ngành y tế cũng phối hợp với lực lượng chức năng giám sát tại các địa phương về công tác lập hồ sơ kiểm tra, thanh tra, xử phạt liên quan đến ATTP của các phường, xã; việc chấp hành quy định về ATTP tại các cơ sở đến thực tế; ghi nhận những khó khăn, bất cập còn tồn tại để có kiến nghị kịp thời tới các cấp có thẩm quyền tiến hành xử lý, tháo gỡ...
Từ đó, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước cũng như việc thực hiện quy định ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.